Thứ Hai | 06/08/2012 08:17

Chưa có dấu hiệu tăng giới hạn sở hữu vốn ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài

Hiện nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn nhất và vấn đề tăng giới hạn sở hữu vốn cũng được đề cập trong đề án tái cơ cấu.
Theo Báo Đầu tư ngày 6/8, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ kêu gọi sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia thị trường mua bán nợ ngân hàng cũng như tăng cổ phần sở hữu tại các ngân hàng trong nước dù đây là lực lượng có tiềm lực tài chính lớn nhất trên thị trường.

Việc tăng giới hạn sở hữu cổ phần của nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được cơ cấu lại trong nước cũng được đề cập trong Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015.

Ngân hàng nước ngoài hy vọng

Về vấn đề này, ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Bank Việt Nam khẳng định: “Không có câu trả lời dễ dàng cho việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc cho phép tăng sở hữu của ngân hàng nước ngoài tại các ngân hàng trong nước. Đây là cách nhanh nhất để gia tăng dòng vốn mới vào hệ thống ngân hàng. Đây cũng là cách nhanh nhất để áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro với các ngân hàng trong nước. Điều này sẽ giúp Chính phủ nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra”.

Ông Trần Anh Vượng, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cũng nhận định, hiện nhiều tập đoàn châu Âu muốn đổ vốn vào châu Á. Vì vậy, nếu Việt Nam tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, thì sẽ huy động được lượng vốn lớn vào lĩnh vực này.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước gần như cạn kiệt, rất cần cơ chế để tăng luồng vốn ngoại đầu tư vào ngân hàng trong nước. Cụ thể, để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực ngân hàng,  tỷ lệ này cần tăng lên khoảng 40%. Trong tương lai, khi sức khỏe của hệ thống ngân hàng ổn định, cần mở cửa hoàn toàn lĩnh vực ngân hàng”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng nước ngoài cũng cho rằng, thị trường ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đầu tư nhưng nếu "room" sở hữu cổ phần cho các ngân hàng nước ngoài không thay đổi thì việc đầu tư của các ngân hàng nước ngoài tại thời điểm này là rất mạo hiểm.

Sẽ bán nhưng không bán rẻ

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Tăng giới hạn sở hữu cổ phần của ngân hàng nước ngoài là giải pháp đặt ra trong Đề án Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm khéo, quyền lợi của quốc gia sẽ không được đảm bảo”.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nền kinh tế nước ta đang rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, đồng nghĩa với việc cổ phiếu ngân hàng bị định giá rất thấp. Vì vậy, nếu mở “room”, không loại trừ việc các ngân hàng ngoại sẽ ồ ạt mua lại các ngân hàng trong nước. Và khi nền kinh tế hồi phục, hệ thống ngân hàng đã nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước có tiền cũng không thể mua lại.

“Cần phải làm cho hệ thống ngân hàng vững mạnh, để buộc doanh nghiệp nước ngoài có mua lại, cũng phải mua với giá hợp lý, không phải mua với tiền lẻ mà phải mua với giá tiền tấn. Như vậy, sẽ đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư trong nước và buộc nước ngoài mua cổ phiếu với giá hợp lý”, Thống đốc nói.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện