Thứ Tư | 02/07/2014 15:10

Chủ tịch Vinatex: 3 năm nữa mới lên sàn

ODM sẽ là chiến lược xuyên suốt của Vinatex sau cổ phần hóa nhằm hình thành các chuỗi giá trị chuyên sâu, hiệu quả.
Sáng nay (2/7), tại hội thảo "Cơ hội đầu tư cổ phiếu Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)", Chủ tịch Vinatex Trần Quang Nghị cùng các lãnh đạo tập đoàn đã trả lời một số câu hỏi của cổ đông liên quan tới kế hoạch cổ phần hóa cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa của tập đoàn.

Chủ tịch Vinatex cho biết, dự kiến Vinatex cần thời gian khoảng 3 năm sau khi IPO để đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán.

Theo kế hoạch, ngày 22/7 tới đây, Công ty mẹ - Vinatex sẽ chính thức phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng theo hình thức đấu giá công khai (IPO) trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP.HCM HSX.

Vinatex sau IPO có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng. Tổng số cổ phần là 500 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, Nhà nước nắm 225 triệu cổ phần, chiếm 51% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp 3 triệu cổ phần, chiếm 0,6% vốn điều lệ. Bán cho nhà đầu tư chiến lược 120 triệu cổ phần, chiếm 24% vốn điều lệ. Bán công khai gần 122 triệu cổ phần, chiếm 24,4% vốn điều lệ.

Về cổ tức, ông Nghị cho biết, tỷ lệ cổ tức của tập đoàn, công ty mẹ chưa cao dù trong các doanh nghiệp thành viên của tập đoàn có tỷ lệ cổ tức rất cao như Việt Tiến, Nhà Bè, May 10... là bởi trong đại gia đình Vinatex, vẫn có những doanh nghiệp làm ăn chưa hiệu quả như Dệt may Nam Định, Đông Phương, Dệt 8/3 và ngay cả hệ thống Vinatex Mart gần đây cũng gặp khó khăn do đối mặt với cạnh tranh từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Trần Quang Nghị hiểu kỳ vọng cổ tức 15 - 20% của cổ đông nhưng cho biết cần phải có quá trình đầu tư, nhất là khi đầu tư vào thị trường, công nghệ.. đòi hỏi vốn lớn. Lãnh đạo Vinatex cam kết làm hết sức mình trong từng năm để có được kết quả tốt nhất, sẵn sàng từ chức khi kết quả kém.

Về việc triển khai chiến lược ODM, Phó tổng giám đốc Vinatex Đặng Vũ Hùng cho biết, ODM là bước phát triển nhằm nâng cao giá trị gia tăng, cho phép Vinatex tự chủ động phát triển sản phẩm, sales và marketing sản phẩm, trực tiếp làm việc với các tập đoàn bán lẻ. ODM sẽ là chiến lược xuyên suốt sau IPO.

Hiện, ODM đã được triển khai thành công tại Tổng công ty Cổ phần Phong Phú, đơn vị Vinatex nắm 48,88% vốn và năm nay đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 51%. Tại Phong Phú, ODM được triển khai với chuỗi chuyên về denim và trong thời gian tới tập đoàn dự kiến tiếp tục triển khai ODM tại các đơn vị thành viên, các dòng sản phẩm có thế mạnh.

Trả lời câu hỏi của OceanBank về việc khi nào thì Vinatex hoàn thành chuỗi giá trị, Phó Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, việc đầu tư ODM sẽ là không ngừng nghỉ, đòi hỏi liên tục, theo nhu cầu, theo thị trường. Mục tiêu nâng giá trị ODM từ 10% hiện nay lên 30% vào năm 2020.

Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương - TPP được xem là cơ hội với ngành dệt may nói chung, Vinatex nói riêng khi các nước tham gia TPP hiện là thị trường xuất khẩu Dệt may chính và tiềm năng nhất của Việt Nam. TPP sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam khi loại bỏ phần trợ giá của Trung Quốc.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện