Chủ tịch Viet Capital Bank chia sẻ về tin đồn quanh dự án Ecopark và thâu tóm Sacombank
Bản thân có nhiều lợi thế, sao chị không chọn theo đường chính trị mà chấp nhận dấn thân vào nghiệp kinh doanh tài chính khô khan và nhiều thách thức, áp lực?
Từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã bắt đầu quan tâm đến những câu chuyện kinh doanh, cũng như ngưỡng mộ nhiều tấm gương doanh nhân tự thân lập nghiệp. Ý niệm kinh doanh và các mục tiêu ngày càng định hình rõ nét hơn khi tôi thi đậu vào Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Sự lựa chọn này hoàn toàn theo sở thích cá nhân. Từ những kiến thức nền tảng lĩnh hội trong nước, sau này, tôi có điều kiện học tiếp chương trình MBA chuyên ngành Quản trị tài chính tại Thụy Sĩ.
Ra trường dù thời gian đầu đi làm thuê, hay sau này lập công ty riêng cùng với những anh em khác, tôi vẫn giữ quyết tâm xây dựng một thương hiệu dịch vụ tài chính mang bản sắc Việt Nam. Thương hiệu Bản Việt (Viet Capital) manh nha ý tưởng từ những ngày tháng tôi còn miệt mài ở Geneva. “Bản” là bản làng, bản sắc riêng của Việt Nam mà cũng mang ý nghĩa là vốn (tư bản), còn “Việt” đương nhiên là từ quê hương Việt Nam.
Chị thành đạt khá sớm nên dư luận cho rằng, chị lồng ghép những lợi thế riêng của mình vào công việc kinh doanh?
Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình đã thành đạt trong sự nghiệp. Cảm nhận cá nhân tôi là khi xuất thân từ gia đình chính khách lớn thường không được nhìn nhận như một người bình thường, mặc dù thực tế chỉ là một khoảng thời gian cụ thể, gắn với những nhiệm kỳ chính trị nhất định, đâu phải là mãi mãi. Sự quan tâm của số đông luôn gắn với những quan điểm và dư luận có phần khắt khe, thậm chí là cầu toàn. Điều này không chỉ tạo ra áp lực lớn mà đôi khi còn phủ nhận tất cả những nỗ lực phấn đấu của một cá nhân.
Từ lúc bắt đầu đi học, tôi đã quen với áp lực vì hoàn cảnh xuất thân của mình. Được điểm tốt thì có tiếng xì xào là vì “con ông lớn” nên được nâng đỡ. Cũng có lúc bị điểm xấu thì bị nói sau lưng là vì “con quan” nên mới ỷ lại, chẳng lo học hành. Tôi không phủ nhận mình có những lợi thế nhất định, nhưng chắc chắn những ai làm kinh doanh ở xứ sở này sẽ hiểu là có phải con nhà quan chức là dễ dàng hơn hay không.
Tôi phải khẳng định là tôi cũng gặp nhiều khó khăn lắm, thậm chí là có những bất lợi hơn và tôi cũng phải hết sức kiên nhẫn để có thể theo đuổi sự nghiệp này. Một người hay được dư luận chú ý thì phải cố gắng giữ mình để tránh điều tiếng không hay cho cá nhân và cả gia đình. Thời gian qua, đã có những lúc tôi mệt mỏi cùng cực khi phải chịu quá nhiều những điều tiếng, thị phi từ những việc mà mình không hề liên quan gì cả!
Chị nói gì trước nhiều tin đồn nói rằng, chị có liên quan đến Dự án Ecopark và thâu tóm Sacombank?
Dự án Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên) là do một chủ đầu tư phía Bắc thực hiện. Đó là CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), đăng ký kinh doanh tại Hưng Yên từ năm 2003. Tuy nhiên, câu chuyện được dàn dựng bịa đặt hoàn toàn bởi một vài blog phản động, tự gán ghép sự liên quan của tôi khi thấy tôi có đại diện cho Viet Capital cùng Công ty Bất động sản Refico tham gia thành lập CTCP Bất động sản Việt Hưng năm 2009 tại TP.HCM để tham gia một dự án cũng tại TP. HCM.
Sự trùng hợp chỉ là cái đuôi công ty cùng có tên “Việt Hưng” thôi, nhưng hàng loạt diễn đàn không chính thống trên mạng đã cố tình biến tôi thành một tội đồ với những gì diễn ra tại dự án ở Văn Giang. Sự lan truyền câu chuyện sai sự thật này nhanh đến mức khó tin, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người bắt đầu đồn thổi và nói như thật về nó, mặc dù tôi đã khẳng định là cá nhân tôi và Bản Việt không liên quan, không quen biết, không tham gia đầu tư cũng như không tài trợ tín dụng gì liên quan đến dự án Ecopark này…
Thực tế là chính Vihajico, chủ đầu tư của dự án, đã từng gửi thông cáo báo chí để khẳng định là hai công ty Việt Hưng này hoàn toàn khác nhau và cá nhân tôi hoàn toàn không liên quan gì với dự án ầm ĩ đó cả. Tuy nhiên, rất tiếc thông tin này rất ít được báo chí đăng tải.
Vậy thông tin về việc chị đứng sau vụ thâu tóm Sacombank thì sao?
Như mọi người đều biết, bản thân Sacombank là một ngân hàng lớn, vốn lớn, cổ đông lớn, hệ thống lớn… Bởi vậy, khi nói đến việc chi phối hay thâu tóm Sacombank, người ta nghĩ rằng phải là nhóm có thế lực tài chính lớn và có sự ảnh hưởng lớn trong xã hội mới làm được. Từ quan điểm đó, cộng với việc họ biết tôi là người đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có nhiều mối quan hệ quen biết, họ dựng lên việc tôi đứng đằng sau điều khiến vụ thâu tóm này.
Nhưng tôi xin khẳng định rằng, cá nhân tôi và Ngân hàng Bản Việt không tham gia vào thương vụ này, cũng không sở hữu bất kỳ một cổ phiếu STB dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp, ngay cả chuyện hỗ trợ về mặt quan hệ cũng không. Tôi cho rằng, việc này không khó để xác minh. Bản thân anh Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank, với tư cách là “người trong cuộc” của thương vụ này, đã không dưới một lần khẳng định rằng, tôi và Bản Việt hoàn toàn không liên quan trong toàn bộ câu chuyện này dưới bất cứ hình thức nào…
Tôi nghĩ rồi một thời gian ngắn nữa thôi, mọi người cũng sẽ biết rõ nhiều sự việc liên quan đến Sacombank… Nhưng nói thật, cái quan niệm cứ thấy phi vụ nào “hoành tráng” là mọi người cho rằng, phải có tên tuổi “hoành tráng” tham gia hoặc “chống lưng” đằng sau thì mới thực hiện được đã vô tình tạo ra biết bao điều tiếng không có thực cho rất nhiều người. Điều này đang dần trở thành định kiến và trường hợp của tôi không là ngoại lệ. Nhưng tôi tin rằng, rồi thời gian sẽ “giải oan” cho tôi và sự thật sẽ nói lên tất cả…
Chị có thể công khai về sở hữu tại Ngân hàng Bản Việt?
Tôi hiện đang là cổ đông cá nhân nắm tỷ lệ cổ phần lớn nhất tại Ngân hàng với 4,9%. Thông tin về sở hữu và hoạt động đều được báo cáo định kỳ theo quy định với Ngân hàng Nhà nước. Tôi được ĐHCĐ bầu vào HĐQT, được phân công làm Chủ tịch và được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn từ cuối năm 2011. Hiện tại, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank - VCCB) là ngân hàng đại chúng đa sở hữu với gần 2.000 cổ đông.
Trên cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bản Việt, chị hoạch định chiến lược phát triển và mục tiêu của Ngân hàng vài năm tới như thế nào?
VCCB mới ở giai đoạn đầu của quá trình tái cơ cấu toàn diện. Do CTCK và Công ty Quản lý quỹ Bản Việt ra đời trước nên hiện nay, VCCB cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hai đơn vị này, đặc biệt là khả năng tiếp cận một số khách hàng là định chế tài chính, DN mà hai đơn vị này đã thiết lập quan hệ từ trước. HĐQT VCCB xác định, trước mắt Ngân hàng tận dụng lợi thế này như một sự ưu tiên cho các nghiệp vụ bán buôn đối với những khách hàng quy mô vừa và nhỏ; và khi củng cố được nguồn lực đủ mạnh, chúng tôi sẽ dần mở rộng mạng lưới, đa dạng hóa sản phẩm bán lẻ.
Do xuất phát điểm của Ngân hàng khá thấp và đang củng cố từng bước mọi mặt, cùng với thực trạng vận hành và phát triển của hệ thống ngân hàng hiện nay, quan điểm đều hành của chúng tôi là an toàn rồi mới đến hiệu quả, chiến lược phát triển không đặt ra quá dài hơi, mà phải linh hoạt theo nguồn lực phù hợp của Ngân hàng trong từng giai đoạn và chu kỳ biến động của kinh tế vĩ mô.
Cảm giác của chị khi đón nhận những tin đồn và gia đình chị chia sẻ áp lực như thế nào?
Tôi nghĩ dù tôi có theo đuổi nghiệp gì đi nữa, ngay cả không phải là kinh doanh, thì cũng phải chịu áp lực bởi sự khắt khe và giám sát của xã hội mà thôi. Thử hình dung xem, nếu tôi theo nghiệp chính trị chẳng hạn, có ai nghĩ tôi sẽ ít bị quan tâm hơn không?
Vì vậy, chọn con đường kinh doanh lập nghiệp là tôi đã sẵn sàng chấp nhận những điều này rồi. Trước áp lực tin đồn thất thiệt, một người bình thường đã có thể điêu đứng và mệt mỏi, các tin đồn gắn với gia đình chính khách thường áp lực tăng lên gấp nhiều lần.
Tôi không làm gì sai trái với pháp luật hay với chính lương tâm của mình, có lẽ đấy là điều cơ bản giúp tôi luôn vững vàng trước mọi tin đồn không hay. Và cũng có lẽ, do tôi đã có một cuộc sống với nhiều loại áp lực khá lâu rồi nên cũng quen dần. Về phía gia đình, từ gia đình lớn đến gia đình nhỏ, từ trước đến giờ luôn tràn ngập sự tin tưởng và yêu thương.
Nguồn Đầu tư chứng khoán