Chủ tịch VCCI: Doanh nghiệp tư nhân có nhiều cơ hội phát triển
Trong khi các doanh nghiệp FDI đang lắp ráp và cung ứng những sản phẩm tương đối cao cấp cho thị trường quốc tế, thì hầu hết doanh nghiệp nội địa vẫn hướng về thị trường trong nước hoặc chỉ xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Vấn đề đặt ra là phải làm gì để giúp các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có được vị trí tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xung quanh vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về khối doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện nay?
Ông Vũ Tiến Lộc: Những năm qua, Việt Nam tập trung gia tăng số lượng doanh nghiệp mới, nên bỏ lỡ việc tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp đang hoạt động để tận dụng cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Hiện tại, trong số doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và tương ứng là các doanh nghiệp vừa. Còn lại 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Xu hướng Việt Nam thiếu các doanh nghiệp có quy mô vừa vẫn tiếp tục gia tăng xét cả theo tiêu chí lao động và vốn. Đặc điểm này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng, cho thấy các doanh nghiệp nhỏ trong nước đang gặp khó khăn để lớn lên thành doanh nghiệp có quy mô vừa. Trên thực tế, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp hơn so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á.
Nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) cho thấy chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất so với con số 60% của Malaysia, Thái Lan; 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến yếu kém đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trước hết, phải kể đến các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả. Khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ tản mát, chưa mang lại hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, tiếp cận vốn đầu tư và vốn cố định luôn là một cản trở cố hữu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia vào mạng lưới sản xuất. Theo đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường phải tiếp cận các nguồn vốn phi chính thức với lãi suất cao hơn và trở nên không có lợi thế về chi phí.
Ngoài ra, về nội tại của doanh nghiệp cũng còn nhiều yếu kém. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, từ nhân lực cấp cao, giám đốc điều hành đến các công nhân, lực lượng lao động chính, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn thấp.
Do đó, các doanh nghiệp trong nước chưa tạo được độ tin cậy cao đối với các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp FDI. Sự tin tưởng cao giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ khuyến khích các hoạt động tích cực giữa các doanh nghiệp như chia sẻ các thông tin, kỹ thuật, hợp tác sản xuất và tiếp thị.
- Vậy những thách thức mà doanh nghiệp tư nhân trong nước gặp phải trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay là gì thưa ông?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong qua trình hội nhập, hầu như các ngành nghề đều gặp phải những thách thức cũng như có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, bản thân tôi nhìn thấy nhiều cơ hội hơn để phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Đơn cử như ngành điện tử đang thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có những dự án rất lớn của Samsung, LG, Panasonic... Riêng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử đạt khoảng 32,2 tỷ USD và tiếp tục giữ ngôi vị số 1 trong các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên những thành quả đó phần lớn thuộc về các doanh nghiệp FDI.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể trở thành một nhà cung cấp linh kiện trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI lớn trong ngành điện tử sẽ là rất khó trong bối cảnh hiện tại. Bởi việc này đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, thiết kế sản phẩm, nâng cao trình độ nhân lực... trong khi yêu cầu về đầu tư và năng lực kinh doanh trong ngành này hầu như vượt quá tầm với của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, cơ hội không chỉ giới hạn ở cung cấp phần cứng mà còn cung cấp dịch vụ để hỗ trợ ngành công nghiệp. Bên cạnh đó, việc hội nhập thông qua liên doanh hoặc hợp tác với các nhà cung cấp cấp 1 và 2 trong lĩnh vực sản thiết bị điện sẽ ít bị sức ép cạnh tranh hơn do yêu cầu về địa điểm gần từ phía nhà cung cấp để giảm chi phí vận chuyển-một yêu cầu rất quan trọng của các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng. Do đó Việt Nam có thể có cơ hội để tạo giá trị gia tăng trong phân ngành này.
Chính phủ và các nhà tài trợ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc xây dựng các chiến lược công nghiệp, tạo điều kiện cho một quá trình chuyển đổi từng giai đoạn, đem lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- Vậy theo ông, để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tăng cường hơn nữa sự tham gia của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị toàn cầu, những nhóm giải pháp nào cần được quan tâm thực hiện?
Ông Vũ Tiến Lộc: Để tạo hành lang pháp lý, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định về Công nghiệp hỗ trợ để tập trung hơn về năng lực cạnh tranh thực chất của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng. Đồng thời tạo điều kiện cho khu vực tư nhân, tập trung đầu tư về mặt nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và tài chính trong chuỗi giá trị các sản phẩm. Cùng đó, khuyến khích doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mạng lưới vệ tinh công nghiệp hỗ trợ chuyển giao công nghệ, hướng dẫn, đào tạo…
Mặt khác, Chính phủ cần tăng cường hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua đó tạo nguồn vốn dài hạn, có lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và tạo sự gắn kết giữa các ngân hàng và doanh nghiệp; khuyến khích các ngân hàng cung cấp các khoản vay dài hạn cho các doanh nghiệp. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các Quỹ đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư mạo hiểm, thúc đẩy hoạt động mua bán, sáp nhập, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn.
Ngay bản thân doanh nghiệp cũng cần tự nâng cao sức cạnh tranh bằng việc đổi mới công nghệ, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. Cùng với đó là xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ từ việc đào tạo giám đốc, tăng cường đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nâng cao kỹ năng lao động để tăng về số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề.
Nguồn Vietnam+