Ông Alexander Stuglev, Chủ tịch và CEO của Quỹ Roscongress, đơn vị tổ chức EEF.

 
Hoàng Kim Thứ Ba | 16/07/2024 19:30

Chủ tịch và CEO quỹ Roscongress: "Quỹ Roscongress tiếp tục thúc đẩy thương mại Việt - Nga mạnh mẽ hơn"

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông thu hút người tham gia từ khắp nơi trên thế giới, điều này cho thấy tầm quan trọng và quy mô quốc tế.

Vào đầu tháng 9 tới đây, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (Eastern Economic Forum - EEF) sẽ được tổ chức tại Nga. Được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế vùng Viễn Đông của Nga và mở rộng hợp tác quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Diễn đàn EEF 2023 đã chứng kiến việc ký kết 373 thoả thuận trị giá 40 tỉ USD.

Mới đây, phiên họp bên lề của EEF đã diễn ra tại TP.HCM nhằm mục đích trao đổi về các lĩnh vực quan trọng trong quan hệ thương mại, kinh tế và kinh doanh giữa Nga và Việt Nam. Nhân dịp này, ông Alexander Stuglev, Chủ tịch và CEO của Quỹ Roscongress, đơn vị tổ chức EEF, đã chia sẻ với NCĐT về hoạt động của Quỹ và hợp tác thương mại giữa hai nước.

Thông qua các dự án như Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF), Quỹ Roscongress mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam và nước nhiều nhiều cơ hội kinh doanh quý báu. Ông vui lòng giải thích thêm về những cơ hội này.

Quỹ Roscongress đã tổ chức các sự kiện kinh doanh quốc tế lớn trong hơn 20 năm qua, mang đến những cơ hội đặc biệt cho sự phát triển và hợp tác của các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm cả các công ty Việt Nam. Trong số các dự án lớn của Quỹ có Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông cũng như Diễn đàn Du lịch Nga"Let’s travel!", đã trở thành những diễn đàn quốc tế quan trọng để thảo luận các vấn đề chính liên quan đến sự phát triển kinh tế.

Diễn đàn Kinh tế Phương Đông thu hút người tham gia từ khắp nơi trên thế giới, điều này cho thấy tầm quan trọng và quy mô quốc tế của nó. Năm ngoái hơn 7.000 người đã tập trung tại EEF, trong đó có khoảng 2.400 đại diện doanh nghiệp đến từ 62 quốc gia và vùng lãnh thổ, điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Lào và Mông Cổ. Doanh nghiệp có thể trực tiếp tìm kiếm đối tác và ký kết các thỏa thuận hợp tác khi tham gia Diễn đàn.

Đối với các công ty Việt Nam, việc tham gia Diễn đàn Kinh tế Phương Đông và các dự án khác của Quỹ Roscongress mở ra cơ hội tiếp cận những cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

EEF tổ chức các phiên chuyên đề về các ngành khác nhau. Ví dụ, vào năm 2023, các vấn đề về tạo ra chuỗi sản xuất và hậu cần, hiện đại hóa hệ thống giao thông và năng lượng, cũng như đảm bảo an ninh lương thực và môi trường đã được thảo luận. Và tại các cuộc đối thoại kinh doanh dành riêng cho quan hệ giữa Nga và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương, việc phát triển hợp tác và thực hiện các dự án chung đã được thảo luận.

​Doanh nghiệp có thể trực tiếp tìm kiếm đối tác và ký kết các thỏa thuận hợp tác khi tham gia Diễn đàn.
​Doanh nghiệp có thể trực tiếp tìm kiếm đối tác và ký kết các thỏa thuận hợp tác khi tham gia Diễn đàn.

Mối quan hệ vững mạnh giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực thương mại rất quan trọng. Quỹ Roscongress đã đóng góp như thế nào trong việc duy trì và củng cố mối quan hệ này?

Quỹ Roscongress tích cực hỗ trợ và phát triển quan hệ thương mại giữa Nga và Việt Nam thông qua các sự kiện quan trọng như Diễn đàn kinh tế phương Đông và Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg. Chúng tôi tạo ra một nền tảng để thảo luận về các định hướng phát triển chiến lược, chia sẻ các phương pháp hay nhất và ký kết các thỏa thuận có ý nghĩa.

Nhờ những nỗ lực này, quan hệ giữa Nga và Việt Nam tiếp tục ngày càng sâu sắc. Nga và Việt Nam có nhiều lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn, bao gồm các ngành hydrocarbon, giao thông vận tải, công nghiệp xây dựng, du lịch, công nghiệp thời trang và công nghệ thông tin. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam đòi hỏi phải hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông và công nghệ của Nga có thể trợ giúp quá trình này.

Du lịch là một ngành đầy tiềm năng để đầu tư cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một mặt, khách du lịch Nga đến Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam phục vụ cho nhu cầu lưu trú và tham quan. Mặt khác, nhà đầu tư Nga có thể đến Việt Nam để xây dựng hệ sinh thái phục vụ nhu cầu du lịch của khách Nga.

Bản thân ngành du lịch tại Nga cũng rất phát triển, nhu cầu du lịch nội địa của người Nga cao. Do đó, cơ hội mở ra cho những doanh nghiệp muốn đầu tư ngành du lịch và những ngành hỗ trợ du lịch tại Nga, như ngành may mặc sẽ cung cấp chăn màn cho các khách sạn.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện tại, ông đánh giá như thế nào về sức hấp dẫn về thu hút đầu tư của Việt Nam so với các thị trường khác?

Việt Nam rất hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nga và các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền kinh tế ổn định và điều kiện thuận lợi: là một ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á, có quan hệ với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng và đa dạng hóa, khiến nước này trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Việt Nam và Nga đã duy trì đối thoại hữu nghị trong nhiều thập kỷ, điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Các công ty Nga đang tích cực phát triển hợp tác với Việt Nam, điều này có thể thấy rõ qua các thỏa thuận và dự án mới nhất giữa hai nước. Ví dụ, Nga sẵn sàng tổ chức cung cấp trực tiếp dài hạn hydrocarbon, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), cho Việt Nam. Ngoài ra, công ty RusHydro của Nga cũng có kế hoạch tham gia nâng công suất các nhà máy thủy điện trên sông Việt Nam.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và Công ty T&T Group của Việt Nam cũng nhất trí hỗ trợ các công ty Nga và Việt Nam, giúp họ thâm nhập thị trường của cả hai nước.

Nga và Việt Nam đang liên tục chuyển sang sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch tài chính, tích cực nỗ lực tạo ra các kênh tín dụng và hợp tác ngân hàng bền vững. Năm ngoái, hơn 40% giao dịch thương mại song phương giữa hai nước chúng ta được thực hiện bằng đồng rúp Nga và đồng Việt Nam, và trong quý đầu năm nay con số này đã tăng lên gần 60%.

Bên cạnh EEF, hàng năm Quỹ Roscongress còn tổ chức nhiều hoạt động quốc tế, có tác động kinh tế đáng kể đến Nga và cộng đồng thế giới. Trong số những hoạt động này, ông đánh giá đâu là hoạt động quan trọng nhất?

Ngoài Diễn đàn Kinh tế Phương Đông, Quỹ Roscongress còn tổ chức các sự kiện quan trọng khác, như Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg (SPIEF) và Diễn đàn Du lịch Nga “Let’s travel!”

SPIEF là một diễn đàn toàn cầu quan trọng để thảo luận các vấn đề kinh tế toàn cầu và thiết lập các mối quan hệ hợp tác. Năm nay, SPIEF quy tụ hơn 21.800 người tham gia từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa con số tương tự trong những năm gần đây. Hơn 8.300 đại diện doanh nghiệp Nga và nước ngoài đã đến tham dự diễn đàn, trong đó có hơn 480 công ty từ 94 quốc gia gia và vùng lãnh thổ đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài và hơn 3.300 công ty đại diện cho doanh nghiệp Nga.

Một sự kiện lớn khác là Diễn đàn “Let’s Travel!” nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Diễn đàn năm nay thu hút hơn 500.000 người tham gia từ 31 quốc gia. Các phiên thảo luận về sự phát triển của ngành du lịch và thu hút đầu tư, bao gồm cả đầu tư nước ngoài. Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, các nhóm công tác được tổ chức để thảo luận các chủ đề chính và đạt được các thỏa thuận quan trọng về sự phát triển của ngành.

Mọi sự kiện đều ở tầm cỡ quốc tế, quy tụ nhiều lãnh đạo cấp cao và đoàn đại biểu từ nhiều quốc gia trên thế giới tham dự. 

Những căng thẳng về địa chính trị trên toàn cầu đã tạo ra nhiều tác động đến các nền kinh tế. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động đầu tư và thương mại với khu vực Viễn Đông, toàn cầu, và cụ thể là với Việt Nam?

Những căng thẳng về địa chính trị đã có tác động đáng kể đến dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Một loạt các nước châu Âu và Mỹ đã rút khỏi Nga, để lại khoảng trống, đồng thời là cơ hội cho những quốc gia khác tham gia thị trường, như Đông Nam Á, Ả Rập, Mỹ Latinh.

Nga đang tích cực tìm kiếm các thị trường và đối tác mới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế phương Đông tiếp tục là một nền tảng quan trọng để thảo luận và thúc đẩy các sáng kiến ​​như vậy.