Chủ tịch Ủy ban chứng khoán: Có thể ban hành nghị định về nới room vào tháng 6/2015
Sáng nay (2/12) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2014, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán đã phản hồi trước ý kiến của nhóm công tác thị trường vốn VBF về việc cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Về việc nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp, theo ông Vũ Bằng, chủ trương chung là ủng hộ tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp nào không cần hạn chế, không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì sớm xem xét nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Về phía Bộ Tài chính, UBCK đã đệ trình Chính phủ quyết định điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài, dự kiến bước đầu tiên là lên khoảng 60%.
Tuy nhiên, việc ban hành quyết định điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn vướng nhiều khía cạnh pháp lý nên sửa trong một nghị định thì đảm bảo đồng bộ, vững chắc hơn. Ông Bằng cho biết đang cân nhắc 2 khả năng. Khả năng thứ nhất là sửa toàn bộ nghị định về việc này, nếu theo hướng ban hành nghị định thì dự kiến theo kế hoạch là tháng 10/2015 nhưng có thể chỉ đến tháng 6/2015 sẽ ban hành.
Khả năng thứ 2 là kiến nghị trình Thủ tướng để Thủ tướng ban hành một quyết định giống như quyết định 51 vừa qua. Đi theo con đường này thì vấn đề tỷ lệ sở hữu của nhà nước ngoài sẽ nhanh hơn, thu hút dòng vốn nước ngoài từ đó đưa dòng tiền vào thị trường chứng khoán.
Về việc ban hành Nghị định 51 về thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán cho biết được các thành viên thị trường đánh giá cao. UBCK cũng đã họp với hơn 120 doanh nghiệp, ban hành văn bản để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nghị định này.
Ông Vũ Bằng khẳng định quyết tâm của các bộ ngành, Chính phủ, doanh nghiệp trong quá trình cổ phần hóa gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán và cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, thực hiện trong thời gian tới.
Theo ông Dominic Scriven, trưởng nhóm công tác thị trường vốn VBF, từ năm 2007 đến giờ đã có một số nước trên thế giới bao gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Việt Nam tái cơ cấu DNNN theo phương thức từ từ tức là cổ phần hóa một phần nhỏ, niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phần hóa tiếp. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể thì hoạt động này chưa được hiệu quả lắm. Điển hình là mới đây, theo thống kê 10 doanh nghiệp Nhà nước lớn nhất niêm yết toàn cầu trong 7 năm gần đây đã mất giá trị cổ phần từng công ty bình quân là 50% trong khi mặt bằng chung chứng khoán toàn cầu đã tăng 5%. Nói cách khác, giá trị doanh nghiệp của 10 công ty này đã giảm 160 tỷ USD từng công ty một.
Về mặt nguồn vốn, theo ông Dominic nhà đầu tư trong nước chủ yếu là nhà đầu tư nhỏ lẻ, nhà đầu tư lướt sóng trong khi hầu hết các nước dựa vào quỹ hưu trí – mà nhóm nghiên cứu khuyến nghị Việt Nam cần sớm thành lập.
Về đầu tư nước ngoài, con số được thu hút là hết sức khiêm tốn, ông Dominic Scriven nhận xét. Từ đầu năm đến giờ, thị trường chứng khoán mới thu hút được 150 triệu USD, con số không xứng đáng, đặc biệt khi so với vốn FDI là 10 tỷ USD. Giả sử các nhà đầu tư nước ngoài mua mỗi cổ phần mà pháp luật Việt Nam cho phép, bất chấp chất lượng, bất chấp ngành, bất chấp định hướng thì tổng số tối đa mới có 3 tỷ USD.
Nguyên nhân chính ở đây là chế độ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông Dominic, thông điệp chung của Việt Nam là chưa cởi mở lắm. Điển hình là mới đây UBCK đã thông báo mãi đến quý IV sang năm mới xem xét lại chế độ này, khiến hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài trong cả năm tới bắt buộc phải đóng băng và không có gì làm cả.
Trả lời phỏng vấn Bloomberg hôm 28/11, ông Vũ Bằng cho biết, Ủy ban đang điều chỉnh kế hoạch trình lên Bộ Tài chính về việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành từ 49% lên 60%. Đề xuất mới sẽ được trình Chính phủ trong tháng 10/2015. |
Nguồn DVO