Chủ tịch UBND TPHCM: cần chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày 19/7 vừa qua, tại buổi gặp cộng đồng doanh nhân trẻ TP.HCM do Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) tổ chức, các đại biểu đã đặt ra câu hỏi và thắc mắc với lãnh đạo TP.HCM về những trở ngại, vướng mắc hoạt động trong các ngành công nghiệp phụ trợ, khởi nghiệp trong ngành công nghệ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển các kênh phân phối, xúc tiến thương mại và giải pháp.
Theo đó, các câu hỏi về khởi nghiệp đã làm nóng diễn đàn từ khi bắt đầu. Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng thư ký YBA đề xuất không chỉ cải tiến thủ tục đăng ký kinh doanh mà cần có ban hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp, giúp giải đáp thắc mắc về thủ tục pháp lý và các vấn đề liên quan. Ông Nguyễn Khoa Tuấn Anh, một cá nhân tham dự, cho rằng chính quyền thành phố nên có nhiều chính sách hỗ trợ khác kèm theo mới có thể giúp cho người khởi nghiệp yên tâm tập trung phát triển ý tưởng của mình, bao gồm các trợ giúp về pháp lý, vốn, quản trị nhân sự, tài chính,…
Tuy nhiên, theo ông Trần Bằng Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Đông A thì chính quyền thành phố không cần phải ưu tiên cho tất cả doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo ông Việt, Doanh nghiệp phải làm cái mới, hoặc cách làm phải mới, hoặc ý tưởng kinh doanh đó phải tạo ra giá trị và có tính bền vững. “Doanh nghiệp cũng chính là khách hàng của chính quyền thành phố”, ông Việt nhấn mạnh quan điểm.
Về vấn đề khởi nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết Thành phố đã giao cho Sở Công thương thành lập một trung tâm đáp ứng các nhu cầu về khởi nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ để cộng đồng khởi nghiệp hoạt động, phát triển thành những doanh nghiệp lớn trong tương lai.
Mặc dù các đại biểu đề cập đến chủ đề chính là khởi nghiệp, song các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng được quan tâm. Ông Dương Công Đức, công ty Vietphone đưa ra câu hỏi về vị trí và vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi nhóm này đang có tâm lý bị coi nhẹ và đứng ngoài lề. “Thành phố có thể lập khu công nghiệp, có giải thưởng tôn vinh riêng cho những doanh nghiệp này”, ông Đức đề xuất.
Bàn về công nghiệp phụ trợ, đa số đại biểu cho rằng tuy đã có định hướng song chính sách chưa thực sự khuyến khích nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tập trung vào công nghiệp phụ trợ, dù cho quy mô ngành này rất lớn, ông Trần Việt Anh, Hội viên YBA cho biết. Ngoài ra, ông Anh cũng kiến nghị các hiệp hội doanh nghiệp nên tổng hợp các thất bại của doanh nghiệp đi trước để các thế hệ kế cận học hỏi thêm kinh nghiệm.
Ông Phong cho biết: “Tôi đồng ý bên cạnh doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn, phải chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên kết thế nào tạo sức mạnh mới quan trọng”. Theo đó, ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng đặc biệt. Ông Phong cho rằng thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và tập trung vào bốn ngành mũi nhọn là: điện tử - công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, hóa chất, chế biến lương thực thực phẩm. “Để hỗ trợ doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố đang tham mưu chính phủ thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020”, ông Phong nói.
Cũng trong tại buổi lễ, các vị đại diện của Sở ban ngành cũng đã tiếp thu ý kiến, trình bày sơ bộ những ý kiến liên quan và hứa sẽ có một buổi làm việc khác chuyên sâu hơn với các đại diện trên để làm rõ hơn những trục trặc và cùng nhau tháo gỡ vướng mắc.
Trong khi đó, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA) đưa ra 5 kiến nghị, bao gồm chương trình “Sáng tạo khởi nghiệp”, đầu mối chính các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng cổng thông tin chính thức về khởi nghiệp, phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổ chức hội chợ chuyên ngành về kinh tế sáng tạo hằng năm.