Thời báo Tài chính Việt Nam Online
Chủ tịch UBCKNN: Có khả năng lùi thời điểm điều chỉnh margin
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng cho biết, chủ trương chính sách là không đổi, song thời điểm điều chỉnh nhiều khả năng sẽ được cân nhắc lùi lại vào thời điểm phù hợp.
Trước đó, tại Hội nghị Phát triển Thị trường chứng khoán năm 2018 (ngày 22/1/2018), Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho hay, UBCKNN đã gửi văn bản chính thức lấy ý kiến của Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán và 51 công ty chứng khoán (CTCK) đủ điều kiện cung cấp dịch vụ giao dịch margin, có nêu rõ, “nếu CTCK không gửi ý kiến phản hồi về UBCKNN thì xem như đồng thuận”.
Tính đến hết ngày 19/1/2018, UBCKNN đã nhận được ý kiến của 32/51 CTCK. Trong số 32 ý kiến phản hồi có 22 ý kiến đồng thuận và số CTCK đồng thuận đang chiếm 83,8% tổng thị phần giao dịch margin trên thị trường hiện nay. Như vậy, mặc dù vẫn có những ý kiến chưa đồng thuận, nhưng về cơ bản đã đồng thuận. Về thời gian áp dụng, UBCKNN dự kiến sẽ trình Bộ Tài chính để xin ý kiến ban hành quyết định trước Tết (Mậu Tuất 2018), nhưng thời gian áp dụng sẽ sau Tết (dự kiến là 1/3/2018).
Trao đổi với PV TBTCVN chiều muộn ngày 9/2/2018, ông Trần Văn Dũng cho biết, hiện UBCKNN đã trình văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh tỷ lệ margin từ mức 50 - 50 về mức thông lệ chung trên thế giới là 60 - 40.
Sau khi được Bộ Tài chính có ý kiến chấp thuận, UBCKNN sẽ cân nhắc chọn thời điểm thích hợp nhất để đưa ra quyết định điều chỉnh.
Chủ tịch UBCKNN khẳng định, chủ trương chính sách điều chỉnh tỷ lệ margin mới là không thay đổi, tuy nhiên, thời điểm áp dụng phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo đủ thời gian để nhà đầu tư và các thành viên thị trường chuẩn bị sẵn sàng trước khi áp dụng chính thức tỷ lệ mới.
Tuy nhiên, “với quy trình và bối cảnh hiện tại, nhiều khả năng việc áp dụng chính thức quy định về tỷ lệ margin mới sẽ lùi vào thời điểm thích hợp, có nghĩa là sẽ chưa áp dụng từ 1/3/2018 như dự kiến trước đây”, ông Dũng nói.
Theo số liệu giám sát của UBCKNN cho thấy, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ do các CTCK tài trợ cho thị trường đến cuối năm 2017 đạt khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2016, chiếm khoảng 1% mức vốn hóa thị trường. Qua tham khảo một số thị trường chứng khoán trên thế giới, tỷ lệ dư nợ giao dịch ký quỹ/mức vốn hóa thị trường ở mức khoảng 2%. Như vậy, tỷ lệ của thị trường Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn theo thông lệ thế giới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngoài nguồn vốn cho vay giao dịch ký quỹ từ các CTCK, còn có nguồn vốn khác từ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân khác. Do vậy, trên thực tế mức tài trợ cho giao dịch chứng khoán lớn hơn mức 1% vốn hóa thị trường.
Ngoài ra, dư nợ ký quỹ cũng ở mức tương đối so với tổng vốn chủ sở hữu của các CTCK. Việc tiếp tục tăng có thể có những ảnh hưởng đến mức độ an toàn của hệ thống các CTCK. Và đây mới là lý do chính yếu cần điều chỉnh để hướng tới tính an toàn, bền vững cho CTCK nói riêng và thị trường nói chung.
“Việc điều chỉnh margin không phải là động thái “siết margin”, mà thực chất chỉ là đưa tỷ lệ này về lại quỹ đạo của tỷ lệ ban đầu để phù hợp bối cảnh thực tiễn phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ ký quỹ 60 - 40 dự kiến sẽ áp dụng cũng là thông lệ tốt của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới”, ông Dũng nhấn mạnh
Theo ông Trần Văn Dũng, quy định này chỉ ảnh hưởng đến khoản vay mới phát sinh sau ngày có hiệu lực mà không ảnh hưởng đến các khoản vay đã giải ngân trước đó. Các giới hạn cho vay hiện nay vẫn trong hạn mức quy định và theo khẩu vị rủi ro của từng CTCK, giá trị tài sản đảm bảo cho các khoản vay tính theo giá thị trường vẫn cao, trung bình từ 2,5 đến 3 lần dư nợ cho vay. Đồng thời, về dài hạn nó giúp thị trường tăng trưởng bền vững hơn; tăng cường năng lực, vị thế quản trị rủi ro cho các CTCK