Chủ tịch UBCK: Sẽ sửa cách tính chỉ số VN-Index
Xuyên suốt Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2015 do Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức sáng nay, câu chuyện cần có cách tính khác cho chỉ số VN-Index được lãnh đạo của cả cơ quan điều hành lẫn các thành viên tham gia thị trường đề cập tới.
Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, trên thị trường có rất nhiều công ty quy mô rất lớn nhưng lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) của các cổ phiếu này lại rất nhỏ. Với cách tính chỉ số hiện nay theo vốn hóa, khiến chỉ số VN-Index không phản ánh đúng diễn biến thị trường.
Trước hạn chế này, ông Bằng cho biết Ủy ban đã có chỉ đạo Sở giao dịch chứng khoán TPHCM - đơn vị vận hành chỉ số VN-Index và Sở đã có cuộc họp với quỹ đầu tư để lên kế hoạch triển khai việc xây dựng cách tính khác cho chỉ số VN-Index. Theo đó, chỉ số mới sẽ tính tới yếu tố free-float như chỉ số HNX FF Index của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Còn nhớ, trước đây, bộ 3 cổ phiếu VIC - MSN và BVH với chỉ 1 tỷ đồng tổng giá trị giao dịch mỗi phiến khiến chỉ số VN-Index "xanh vỏ đỏ lòng". Trong khi thời gian qua, do tác động của giá dầu giảm, GAS kéo thị trường theo chiều ngược lại: "đỏ vỏ xanh lòng" hàng loạt cổ phiếu tăng nhưng chỉ số vẫn giảm. Bởi lẽ, hiện VN-Index chịu ảnh hưởng rất lớn từ cổ phiếu GAS chiếm tới hơn 14% vốn hóa. Tuy nhiên, khối lượng cổ phiếu free-float lại chỉ có hơn 3% trên tổng khối lượng cổ phiếu GAS.
Ông Trần Thanh Tân, Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ VFM, lấy ví dụ về sự bất hợp lý trong cách tính chỉ số VN-Index là việc 1 quỹ thuộc VFM tăng trưởng 27% trong 11 tháng đầu năm 2014 nhưng do biến động giá dầu mà chỉ trong một quý mất 20%. Ông Tân nhấn mạnh, thị trường chứng khoán thế giới không hề bị ảnh hưởng nhiều vì giá dầu như thị trường Việt Nam.
Theo ông Tân, vấn đề không phải chỉ loại bỏ sự ảnh hưởng của cổ phiếu GAS hay các cổ phiếu dầu khí bởi ngay trong nội tại cách tính chỉ số VN-Index có vấn đề. "Có vài mã cổ phiếu bắt đầu "xưng hùng xưng bá" trên thị trường, đó là các mã cổ phiếu ngân hàng. VCB bắt đầu tăng, CTG bắt đầu tăng sự ảnh hưởng tới chỉ số. Nếu khi Vietnam Airlines và Mobifone niêm yết mà chúng ta vẫn duy trì cách tính chỉ số như hiện nay thì chúng ta sẽ phải trả giá, mà các quỹ đầu tư sẽ phải trả giá đầu tiên".
"Chúng tôi không thể không mua vì các quỹ đầu tư theo chỉ số thị trường. Nếu các quỹ không mua thì khi thị trường lên, sẽ thất bại, và khi thị trường xuống còn thất bại hơn", CEO của VFM nhấn mạnh.
Ngoài việc xây dựng cách tính khác cho VN-Index, Chủ tịch UBCKNN cũng cho biết một trong các sản phẩm mới sẽ được xây dựng trong năm 2014 là bộ chỉ số chung cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm cổ phiếu tại cả 2 Sở giao dịch chứng khoán.
Hội nghị năm nay không có sự tham gia phát biểu của đại diện HSX, nhưng tài liệu tham luận của đơn vị vận hành VN-Index không hề đề cập tới việc điều chỉnh cách tính hay xây dựng chỉ số mới thay cho VN-Index trong năm 2015. Từ góc độ một Sở giao dịch, HSX cho rằng cần tập thực hiện sớm 2 nhóm giải pháp ở tầm quản lý quỹ mô trong năm 2015 là (1) Nới lỏng giới hạn trần sở hữu nước ngoài đối với cổ phiếu và (2) Phát triển các sản phẩm mới giúp giữ chân nhà đầu tư ngay cả khi thị trường giá xuống, cụ thể là sản phẩm covered warrant. |
Nguồn DVO