Thứ Sáu | 27/07/2012 12:42

Chủ tịch UBCK nêu 3 nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm thời gian qua

Theo ông Bằng, doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán hạn chế là nguyên nhân khiến thị trường hoạt động cầm chừng.
Trong bài phỏng vấn đăng trên Thời báo kinh tế Việt Nam ngày 27/7, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục với khoảng 20%. Tuy nhiên, thời gian gần đây thị trường hoạt động tương đối cầm chừng, thanh khoản sụt giảm.

Theo ông Bằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.

Thứ nhất, mặc dù kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện hơn, ngay báo cáo Chính phủ cũng đã đề cập là kinh tế Việt Nam đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, lạm phát giảm, thanh khoản ngân hàng có sự cải thiện, lãi suất có xu hướng giảm, dự trữ ngoại tệ tăng lên. Đó chỉ là những mặt tích cực. Nhìn chung, kinh tế vĩ mô cũng còn rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, diễn biến thị trường chứng khoán còn phụ thuộc rất lớn vào thực trạng hoạt động của doanh nghiệp và dòng tiền. Thực trạng doanh nghiệp lại cho thấy doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là vấn đề hàng tồn kho, nợ xấu, đầu ra cho doanh nghiệp; chi phí lãi vay tăng; số lượng doanh nghiệp niêm yết thua lỗ tăng hơn trước (cuối năm 2011 có 72 công ty thua lỗ, quý I-2012 là 113 công ty và quý 2 dự báo số lượng này sẽ tăng lên), hơn 60 công ty chứng khoán thua lỗ.

Con số trên cho thấy nền tảng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn là thời điểm trước.
Thứ hai, tình hình quốc tế cũng đã tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đầu năm 2012 thì vấn đề nợ châu Âu rất căng thẳng và đến tháng 6 này tiếp tục căng thẳng; dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng giảm; các chỉ số niềm tin, sản xuất tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều sụt giảm;...

Diễn biến đó khiến cho dòng tiền cũng có sự điều chỉnh. Dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng qua thấp hơn nhiều nếu so với con số của năm 2011 (năm 2011 có 240 triệu USD, 2010 là 1 tỷ USD, trong khi 6 tháng khoảng 50-60 triệu USD).

Trong tháng 5 thì dòng tiền lại có xu hướng rút ra. Rõ ràng, khi kinh tế châu Âu và toàn cầu có khó khăn thì tái cơ cấu lại danh mục đầu tư xảy ra và dòng tiền có sự điều chỉnh, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Gần đây thị trường không tăng mạnh như những tháng đầu năm mà có xu hướng giảm, đi ngang. Điều này cũng là phù hợp với thực tế đang diễn ra.

Thứ ba, lãi suất tuy giảm nhưng tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, tín dụng ra 6 tháng đầu năm ở mức thấp nên dòng tiền cho thị trường cũng còn những điểm hạn chế. Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp cho vấn đề này nhưng các giải pháp cũng cần phải có thời gian.

Các biện pháp hỗ trợ thị trường cũng đã được đưa ra như xây dựng chỉ số, kéo dài thời gian giao dịch, đưa lệnh thị trường vào, tính toán điều chỉnh biên độ để cải thiện thanh khoản. Tuy nhiên, những biện pháp đó chỉ mang tính nghiệp vụ, kỹ thuật thôi còn cái chính vẫn là nền tảng kinh tế vĩ mô.

Góc độ Bộ Tài chính cũng đã triển khai quyết liệt Nghị quyết 13 của Chính phủ như cải thiện đầu tư công, các chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Góc độc ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm cải thiện thanh khoản, tín dụng ngân hàng cũng như tập trung vào tái cấu trúc ngân hàng để xử lý nợ xấu, khi xử lý được nợ xấu thì doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tốt hơn và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo bài phỏng vấn này, ông Bằng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020 và cũng đã xây dựng tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm trình Bộ Chính trị, Chính phủ và sắp tới sẽ ban hành. Định hướng dài hạn thời gian tới là tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột: hàng hóa, nhà đầu tư, công ty chứng khoán, các sở giao dịch chứng khoán.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện