Chủ Nhật | 13/01/2013 16:16

Chủ tịch UBCK: Không có vùng cấm khi tái cấu trúc công ty chứng khoán

Tình hình thị trường chứng khoán 2013 phụ thuộc lớn vào kết quả tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, xử lý nợ xấu, ông Vũ Bằng cho biết.
Theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2012, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn nên mặc dù chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam thuộc nhóm tăng cao trên thế giới nhưng hoạt động của thị trường này cũng chưa thực sự khả quan.

TTCK năm 2013 dù được dự báo vẫn còn khó khăn nhưng cũng sẽ có triển vọng do hoạt động tái cấu trúc đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Điểm sáng huy động trái phiếu và vốn ngoại

Nhìn lại TTCK một năm đã qua theo ông có những điểm gì đáng chú ý?

Ông Vũ Bằng: Những khó khăn của kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến kinh tế nước ta, nên có thể nhìn nhận năm 2012 là năm khó khăn nhất của TTCK trong 12 năm qua.

Do chi phí đầu vào tăng cao (giá xăng dầu, điện, chi phí lãi vay…), khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế, hàng tồn kho tăng, đầu ra khó khăn, sức mua yếu nên kết quả kinh doanh năm 2012 chưa khả quan trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực như vật liệu xây dựng, điện tử, thiết bị điện, điện- khí đốt- nước, xây dựng, bất động sản, bán buôn - bán lẻ,.. số doanh nghiệp thua lỗ cũng vì thế mà tăng theo. Từ đó, TTCK cũng chịu sự tác động rất lớn.

Tuy thế, cũng có thể nói rằng, trong khó khăn của năm 2012 thì TTCK cũng có những điểm tích cực. Đó là chỉ số VN Index tăng 17,7% (HNX Index giảm 2,8%). Dù tổng thể TTCK có khó khăn nhưng thanh khoản thị trường có sự cải thiện với quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 1.918 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2011 (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.316 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2011); vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ tăng cao với khoảng 156.500 tỷ đồng (bằng 1,9 lần so với cả năm 2011). Vốn ngoại cũng là một điểm sáng tích cực.

Số liệu tới ngày 15/12/2012 cho biết, vốn nước ngoài vào thuần là 300 triệu USD - dòng vốn tăng mạnh vào 2 tháng cuối năm (cao hơn mức 240 triệu USD của năm 2011). Nếu tính cả vốn vào thị trường chưa niêm yết, số liệu ước đạt 1,5 tỷ USD, tính chung dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng 10% so với năm 2011.

Ở góc độ cơ quan quản lý, đó cũng là năm thành công của chúng tôi trong việc đề xuất, ban hành nhiều đề án và hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc TTCK.

Kinh tế Việt Nam năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Vậy, nhìn nhận của ông về TTCK năm 2013? và ông có kỳ vọng gì?

Tuy còn nhiều khó khăn nhưng năm 2013 tình hình kinh tế trong nước có thể có những cải thiện nhất định, khi lạm phát từng bước được kiềm chế, nhập siêu giảm, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá được duy trì ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng cao… Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp tích cực để tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện các chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn so với mức tăng trưởng năm 2012.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế, tài chính thế giới được dự báo trong năm 2013 còn có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và tốc độ tăng trưởng toàn cầu khó phục hồi. Trong khi đó mặc dù đã có những cải thiện bước đầu, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chính sách kinh tế phải thực hiện đồng thời mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đề phòng lạm phát tăng cao trở lại và vẫn bảo đảm tăng trưởng cao hơn so với năm 2012.

Trong bối cảnh như vậy, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với TTCK năm 2013 sẽ được điều hành một cách tích cực, chủ động, linh hoạt. Trọng tâm là ổn định và tái cấu trúc TTCK để vượt qua khó khăn, chuẩn bị cho các bước phát triển sau này khi kinh tế hồi phục.

UBCKNN đang tính toán để trình các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường. Trong đó có việc kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục kéo dài việc giảm thuế đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK; ưu đãi thuế đối với các loại hình quỹ đầu tư mới, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện; miễn thuế đối với cổ phiếu thưởng...

Bên cạnh đó cũng đề xuất các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong huy động vốn để hưởng ứng chủ trương xử lý nợ và tái cấu trúc nền kinh tế. Ngoài ra, một số giải pháp đề xuất liên quan đến huy động vốn đầu tư nước ngoài, cải thiện thanh khoản thị trường, thúc đẩy công tác cổ phần hóa cũng được đặt ra thảo luận nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền.

Theo nhìn nhận của tôi, TTCK năm 2013 còn khó khăn nhưng cũng có triển vọng và phụ thuộc lớn nhất vào kết quả tháo gỡ khó khăn với lĩnh vực bất động sản, xử lý nợ xấu. Thị trường sẽ tốt nếu việc tháo gỡ khó khăn này được làm quyết liệt và có kết quả. Đồng thời nếu có giải pháp hỗ trợ thích hợp, TTCK hồi phục sẽ góp phần quan trọng cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như vấn đề xử lý nợ xấu.

Tái cấu trúc: Không có vùng cấm

Trở lại câu chuyện tái cấu trúc vốn được đề cập đến rất nhiều trong năm qua là việc sắp xếp, phân loại các công ty chứng khoán. Trong quá trình này có vùng cấm nào không, thưa ông?

Có thể khẳng định là hoàn toàn không có vùng cấm và không có tác động nào có tính chất cản trở liên quan đến tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK). Tất nhiên, trong quá trình tái cấu trúc cũng có ý kiến này, khác từ những người có liên quan nhưng tất cả điều đó đều được chúng tôi giải thích lại để mọi người hiểu rằng, đây là luật pháp quy định, bắt buộc phải làm và CTCK đã chạm vào các ngưỡng trong quy định đó thì phải xử lý. Tất nhiên, trong tái cấu trúc một số CTCK cũng có những khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là theo Luật Chứng khoán hiện hành, giấy phép kinh doanh và giấy phép thành lập của CTCK là một. Vì vậy, nếu xử lý mạnh rút giấy phép kinh doanh cũng đồng nghĩa với xóa sổ pháp nhân và khi đó việc xử lý các nghĩa vụ của doanh nghiệp sẽ không giải quyết được. Khó khăn thứ hai, khi tái cấu trúc cũng phải rất khôn khéo xử lý, đó là một số CTCK khi gặp khó khăn quay ra xâm phạm tài sản khách hàng. Chính vì vậy trong xử lý, UBCKNN cũng cân nhắc rất nhiều để giảm thiểu các tác động xã hội. Tất nhiên, quan điểm thống nhất vẫn là phải xử nghiêm các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt là xử lý hình sự để răn đe các trường hợp khác.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là việc tái cấu trúc hai Sở Giao dịch chứng khoán. Hiện quá trình này tiến hành tới đâu và định hướng năm 2013 sẽ ra sao, thưa ông?

Về sự cần thiết tái cấu trúc sở thì không còn phải bàn, bởi vì điều đó sẽ làm cho TTCK Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh hơn. Quá trình tái cấu trúc các Sở phụ thuộc vào nhiều yếu tố và trong đó có vấn đề về lộ trình, về hàng hóa, công nghệ, tổ chức và con người. Mỗi bước thực hiện phải được đi từng bước một cách thận trọng, không gây xáo trộn.

Ban đầu, quan điểm của chúng tôi là năm 2012 sẽ xong đề án nhưng do kinh tế, TTCK quá khó khăn nên việc này dự định phải năm nay mới trình được lên Chính phủ. Điểm thứ hai là thời điểm cũng chưa chín muồi vì hợp nhất hai Sở thì cũng cần phải chú ý đến vị trí địa lý, các yếu tố kinh tế- chính trị để xác định trụ sở chính cũng cần phải tính toán sao cho hợp lý.

Chính vì những lý do đó nên Bộ Tài chính, UBCKNN đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép giãn tiến độ triển khai tái cấu trúc Sở Giao dịch chứng khoán thêm 1 năm so với kế hoạch. Quan điểm của chúng tôi trong việc tái cấu trúc là hình thành một Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo các nguyên tắc một thị trường có hai sàn, nhưng thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, trên nền tảng công nghệ chung, chuẩn hóa chế độ báo cáo, công bố thông tin…
Sau khi chỉ còn một Sở giao dịch, theo ông, TTCK có mạnh lên?

Tái cấu trúc, đổi mới là để mạnh lên. Chúng ta có thể tin tưởng vào điều đó!

Trân trọng cảm ơn ông.

Nguồn Đại đoàn kết


Sự kiện