Chủ tịch TPHCM: Doanh nghiệp phải có lòng tự tôn dân tộc
Đề cập đến 7 chương trình đột phá của TP.HCM để đẩy mạnh sự liên kết, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Liên kết giữa chính quyền và doanh nghiệp và vấn đề không mới. Khi đề cao đến phát triển bền vững, ngoài yếu tố về vốn, lao động, công nghệ… còn yếu tố thể chế chính sách. Một bên tạo môi trường thuận lợi về cơ chế chính sách để khơi nguồn doanh nghiệp. Một bên phải tuân thủ pháp luật để thúc đẩy doanh nghiệp mình. Trong thời gian qua sự phối hợp này chưa đồng bộ tạo ra hạn chế sự phát triển. Trong 7 chương trình đột phá của thành phố có chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của thành phố trong hội nhập. Để làm được phải tạo sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền thành phố đang tích cực thực hiện nghị quyết này bằng việc làm cụ thể…”
Cuộc đối thoại giữa những CEO và vị Chủ tịch TP.HCM đã mang lại cho sự kiện nhiều giây phút hào hứng. Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc công ty U&I tỏ ra lạc quan: “Tôi khẳng định doanh nhân Việt Nam hoàn toàn liên kết được và liên kết thành công. Ngay tại khán phòng này, đã có hàng trăm dự án doanh nhân đã liên kết thành công, như dự án của tôi với anh Cao Tiến Vị, công ty giấy Sài Gòn, hay dự án của tôi với anh Võ Quốc Thắng công ty gạch Đồng Tâm. Chúng tôi có rất nhiều chương trình gặp gỡ không chính thức mà ở đó phản ánh tâm tình của những doanh nhân trẻ với lãnh đạo thành phố".
"Về phía doanh nghiệp chúng tôi cố gắng liên kết để nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập, tuy nhiên, về phía Nhà nước, chúng tôi cũng đòi hỏi một chính quyền đủ sức cạnh tranh với thế giới. Nếu mơ ước đặt đề tài với Chính phủ, tôi có thêm vài tính từ: Minh bạch, công bằng, hiệu quả, có trách nhiệm giải trình”, ông Tín nói thêm.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO, tập đoàn vừa rời mảng bánh kẹo để tham gia sân chơi tỷ USD mỳ gói và dầu ăn, với sự liên kết mạnh về ngành hàng cho biết: “Cách đây 13 năm, tập đoàn Unilever bán mảng kem nhưng liên tục lỗ trong nhiều năm. Lúc đó Kinh Đô đã mua lại kem Wall’s, không chỉ mua thương hiệu, mà còn mua nhân lực, mua một đống nợ. Sự liên kết giữa hai thương hiệu trong nước và tập đoàn đa quốc gia, giữa người lao động và nhà phân phối để tạo sức mạnh, từ doanh số 90 tỷ sang 2.000 tỷ, bây giờ khi họ muốn quay lại thị trường, sẵn sàng trả giá 2 triệu USD".
Theo ông Nguyên, doanh nghiệp phải có khát vọng, có hoài bão, mới tạo nên liên kết thành công. Năm 2015 KIDO nhảy vào lĩnh vực dầu ăn, liên kết với các công ty ngành dọc của Nhà nước trong lĩnh vực này. Từ lợi nhuận 50 tỷ, nhưng không phải từ dầu ăn, khi Kinh Đô vào cuộc, chỉ 6 tháng sau đã đưa con số lãi hơn 200 tỷ. Lúc cổ phần hóa cổ phiếu chỉ 11.000-12.000 đồng/cổ phiếu nhưng ngày hôm nay giá trị cổ phiếu lên khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu. Điều đó cho thấy khi doanh nghiệp quốc doanh liên kết với doanh nghiệp tư nhân theo kiểu win-win, có thể nâng giá trị cổ phần lên rất nhiều.
"Trước thực tế niềm tin vào thực phẩm của người Việt Nam hiện nay đổ vỡ rất nhiều, ảnh hưởng đến thương hiệu thực phẩm Việt Nam, tôi cho rằng về phía doanh nghiệp, phải đặt vấn đề đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, nếu không sẽ phá sản. Về phía Nhà nước, phải ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn bài bản, sản xuất sạch bằng những chính sách cụ thể, và nghiêm khắc trừng phạt những doanh nghiệp làm ăn gian dối. Có như vậy mới gầy dựng lại niềm tin cho người tiêu dùng”, ông Nguyên nói thêm.
Một doanh nghiệp hỏi ông Nguyễn Thành Phong khi ngang qua khu công nghệ cao TP.HCM, vẫn thấy phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo thành phố có thấy chạnh lòng không? Ông Phong cho biết: “Quá chạnh lòng đi chứ, nhưng phải biến sự chạnh lòng đó thành hành động. Tôi mong muốn làm sao phát triển đồng bộ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp trong nước bằng đề án phát triển công nghiệp phụ trợ để đáp ứng được yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ cao. Kết quả bước đầu khá tốt. Bên cạnh doanh nghiệp trong nước, chúng tôi đang mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ của các nước như Nhật Bản để đáp ứng được yêu cầu. Các doanh nghiệp phụ trợ phải kết nối với nhau giống như đàn sếu để cùng bay theo doanh nghiệp đầu đàn”.
Làm thế nào để đưa TP.HCM trở thành thành phố đáng sống, thành phố thông minh và có thương hiệu mạnh? Ông Phong thổ lộ: “Đây là câu hỏi mà tôi trăn trở nhất. Nhà nước phải luôn đồng hành, xem doanh nghiệp là người phục vụ. Chúng tôi đang xây dựng mục tiêu TP.HCM năm 2020 có 500 ngàn doanh nghiệp, tuy nhiên không chăm chăm vào số lượng, phải tập trung vào những tập đoàn có tầm nhìn toàn cầu, bên cạnh đó là hỗ trợ những doanh nghiệp khởi nghiệp với đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng. Để đạt được con số 500 ngàn doanh nghiệp hiệu quả, doanh nghiệp phải có tự tôn dân tộc, coi trọng đạo đức kinh doanh và coi trọng pháp luật”.