Thứ Ba | 05/06/2012 22:02

Chủ tịch THV: “Chúng tôi không thể phá sản”

Các đối tác sẽ ứng trước 600 tấn cà phê Arabica nguyên liệu để THV chế biến xuất khẩu, có dòng tiền để thu mua cà phê hòa tan và Robusta.
Chiều 5/6, tại trụ sở công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam THV, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng phân phối cà phê giữa Thái Hòa và 2 đối tác Trung Quốc.

Hợp đồng thứ nhất là hợp đồng Thái Hòa nhập khẩu 5.000 tấn Arabica từ công ty Vân Lộ -Vân Nam và hợp đồng thứ hai là hợp đồng Thái Hòa xuất khẩu 1000 tấn cà phê hòa tan và 10 ngàn tấn cà phê Robusta cho đối tác Công ty thương mại Phong Hoa - Hà Khẩu - Vân Nam.

Tại buổi ký kết ông Nguyễn Văn An, chủ tịch Hội đồng quản trị THV cho biết, việc hợp tác giữa THV với 2 đối tác là hợp đồng hàng đổi hàng, tức là phía đối tác sẽ cung cấp Arabica cho Thái Hòa xuất cho các đối tác tại Mỹ, Nhật. Sau khi Thái Hòa có vốn từ bán Arabica sẽ thu mua Robusta, cà phê hòa tan nguyên liệu xuất cho đối tác Phong Hoa. Thái Hòa không cần vay vốn để thực hiện các hợp đồng này.

Dự kiến ban đầu các đối tác sẽ ứng trước cho THV khoảng 600 tấn cà phê Arabica nguyên liệu để công ty chế biến xuất khẩu, có dòng tiền để thu mua cà phê hòa tan và Robusta. Hợp đồng sẽ bắt đầu được triển khai trong tháng 6.

Ông An khẳng định, THV không thể phá sản. Công ty đã làm việc tích cực với các ngân hàng để nhằm cơ cấu lại nguồn vốn. Agribank, Maritimebank, VDB đều đã có kịch bản cơ cấu vốn cho THV. Hiện tại chỉ còn 198 tỷ đồng nợ của Vietcombank tiến độ chậm hơn do phía ngân hàng đề nghị tái cơ cấu thông qua mua bán nợ tại DATC.

Các ngân hàng cũng cam kết là sau khi tái cơ cấu nợ thì sẽ tiếp tục cung cấp vốn cho Thái Hòa hoạt động để có lãi trả nợ cho ngân hàng. Ví dụ nhà máy Lâm Đồng hiện đã được coi là tài sản đầu tư hình thành từ vốn trung dài hạn và các ngân hàng quản lý kho hàng và dòng tiền tại đây. Khi có hợp đồng, ngân hàng xuất tiền mua nguyên liệu, chế biến tại nhà máy và xuất đi thu tiền về. Trừ đi các khoản chi phí bao gồm cả nợ mới thì phần lợi nhuận sẽ ưu tiên trả nợ cũ của ngân hàng.

Ban lãnh đạo cố gắng cơ cấu xong để từ 1/9, khi bước vào vụ cà phê mới thì công ty có thể bắt đầu triển khai kinh doanh bình thường.

Thái Hòa mới chỉ bán 99% dự án Điện Biên và 51% dự án cà phê tại Lào cho Maritimebank với công suất 15.000 tấn. Như vậy công ty vẫn còn nhà máy tại Lâm Đồng, Quảng Trị, Sơn La, Buôn Ma Thuật với tổng công suất chế biến là 300.000 tấn/năm.

Với dự án cao su của THV bên Lào thì tổng diện tích được cấp là 5-6000 ha nhưng nay mới trồng 216 ha và cũng chưa có tiền để chăm sóc. Công ty Phong Hoa muốn được hợp tác với THV để đầu tư vào dự án này. Trước tiên là sẽ cấp tiền và phân bón để phục vụ chăm sóc vườn cây. Sau tháng 10 khi hết mùa mưa tại Lào thì sẽ khảo sát để cùng THV trồng tiếp 300 ha và tiến tới phủ kín diện tích được cấp.

Các đối tác không có ý định góp vốn mà chỉ muốn hợp tác đầu tư cùng THV vào các dự án vùng trồng nguyên liệu.

Nguồn CafeF


Sự kiện