Chủ tịch Sợi Thế Kỷ: IPO không thành công, vẫn đủ tiền làm dự án
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết, nếu phát hành 3 triệu cổ phiếu không thành công trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), Công ty vẫn đủ tiền làm dự án.
Về mặt nguồn vốn đầu tư dự án, theo ông Hòa, 70% vốn vay ngân hàng và 30% còn lại từ vốn tự có, trong đó một phần từ lợi nhuận chưa phân phối và một phần từ đợt phát hành 3 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn tự có được hạch toán là 213 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý III/2014 của công ty ghi nhận, nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính tại ngày 30/9/2014 là 197 tỷ đồng. Như vậy, nếu huy động hết nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này thì công ty vẫn còn thiếu 16 tỷ đồng huy động của nguồn vốn tự có.
Ông Phạm Thái Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á - đơn vị tư vấn nói thêm, nếu phát hành không thành công thì Chứng khoán Đông Á sẽ bảo lãnh toàn bộ số cổ phần đó, tương đương số vốn tối thiểu 54 tỷ đồng.
Trong khi đó, mục đích của đợt chào bán được thể hiện trong báo cáo bạch là huy động thêm vốn để đầu tư vào nhà máy mở rộng tại Trảng Bàng - giai đoạn 3. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành tối thiểu là 54 tỷ đồng được đầu tư vào các hạng mục mở rộng của dự án này, bao gồm xây dựng nhà xưởng, văn phòng, công trình và đầu tư hệ thống điện động lực.
5 năm triển khai nhà máy Trảng Bàng
Dự án nhà máy Trảng Bàng - giai đoạn 3 được khởi công vào tháng 5/2014, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2015. Công suất thiết kế của nhà máy khoảng 15.000 tấn/năm, sau khi hoàn thành sẽ nâng tổng công suất toàn công ty lên khoảng 52.000 tấn/năm, tăng 40% so với công suất 37.000 tấn/năm tính đến giai đoạn 2.
Nguồn: Báo cáo bạch trước IPO của Sợi Thế Kỷ |
Dự kiến thời gian thu hồi vốn từ dự án là 5 năm 4 tháng. Tỷ suất hoàn vốn 8%. Hiện giá thu nhập thuần (giá trị tại thời điểm hiện nay của dòng tiền được chiết khấu, dùng để đánh giá khả năng sinh lời của dự án) là 45,4 tỷ đồng.
Sản phẩm chính của Sợi Thế Kỷ là sợi polyester Draw Textures Yarn (DTY) và Fully Drawn Yarn (FDY) thuộc nhóm sợi nhân tạo, được sản xuất từ nguyên liệu đầu vào là hạt polyester chip (chế phẩm từ dầu mỏ). Các hạt polyester chip này được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đài Loan và Indonexia.
Sợi polyester có tính ổn định về tính chất hóa lý so với các sợi nhân tạo khác như nylon, acrylic, có tính năng thay thế các loại sợi thiên nhiên như cotton.
Nguồn thu của dự án chủ yếu từ sản lượng xuất khẩu DTY sang các nước châu Âu, châu Á và tiêu thị tại Việt Nam. Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu giai đoạn 2010 - 2013 ước tính chiếm khoảng 70 - 85% tổng doanh thu.
Dự án nhà máy Trảng Bàng - giai đoạn 1 được khởi công xây dựng năm 2009 với mức đầu tư 373 tỷ đồng và đi vào hoạt động năm 2010. Đến năm 2011, dự án được mở rộng giai đoạn 2 với mức đầu tư 562 tỷ đồng, đi vào hoạt động năm 2012. Tổng mức đầu tư 2 giai đoạn đầu của dự án là 935 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2015 - khi nhà máy đi vào hoạt động giai đoạn 3 thì dự án nhà máy Trảng Bàng được đầu tư xây dựng trong 5 năm. Hiện, dự án có 328 máy kéo sợi hoạt động theo ngày, năng suất khai thác máy 90% và gần 700 nhân viên.
Nguồn DVO