Thứ Bảy | 06/10/2012 07:51

Chủ tịch SLS: Giá đường xuống nữa, công ty vẫn có lãi

Công ty đặt mục tiêu giảm giá thành xuống dưới 13.000 đồng/kg đường trong khi giá thành trung bình toàn ngành là 15.700 đồng.
Ông Phạm Ngọc Thao, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Sơn La SLS nhận định, ngành mía đường sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Chỉ những DN được tái cơ cấu toàn diện, quan tâm phát triển vùng nguyên liệu và quản lý chi phí hợp lý mới có thể trụ vững và phát triển.

Ông Thao cho biết, niên vụ 2011/2012, cả nước sản xuất được khoảng 1,37 triệu tấn đường (mức tiêu thụ vụ 2010/2011 là 1,3 triệu tấn). Nếu tính cả lượng đường nhập khẩu chính ngạch (năm 2011 nhập khẩu 249.500 tấn đường) và nhập lậu ước không dưới 300.000 tấn/năm, thì cung vượt cầu quá lớn.

Lối thoát từ xuất khẩu cũng gặp khó, bởi thị trường chủ lực là Trung Quốc thì đến thời điểm này của năm 2012, Bộ Công thương mới cấp phép xuất khẩu đường sang Trung Quốc 30.000 tấn. Chính vì vậy, trong thời gian qua, giá đường liên tục giảm, từ mức 19.500 - 18.000 đồng/kg vào đầu vụ, rớt xuống 16.500 - 16.000 đồng, đến nay có những nhà máy bán ra với giá chỉ 15.500 - 15.000 đồng/kg.

Là ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Mía đường, ông có nhận định gì về tình hình sản xuất - kinh doanh đường niên vụ 2012/2013?

Chắc chắn ngành đường vẫn phải đối mặt với vấn đề cung vượt cầu. Năm 2013, dự kiến nhu cầu khoảng 1,4 triệu tấn; trong khi ước tính tổng sản lượng đạt 1,6 triệu tấn, cộng 150.000 tấn tồn kho từ vụ trước, 74.000 tấn được Bộ Công thương cấp hạn ngạch nhập khẩu và hàng trăm ngàn tấn đường nhập lậu. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu rất bấp bênh. Xét trên bình diện quốc tế, sản lượng đường thế giới năm 2012 dự kiến cung vượt cầu 5,17 triệu tấn, dự báo giá đường quốc tế sẽ giảm 12%, từ mức 25,8 cent/lb (2011) xuống còn 22,6 cent/lb (2012).

Trong bối cảnh đó, lợi thế cạnh tranh của ngành đường Việt Nam là gì?

Rất khó. Trong khoảng 40 doanh nghiệp mía đường hiện tại, nhiều đơn vị có giá thành sản xuất cao. Giá nhiều mặt hàng đầu vào như điện, xăng dầu… tăng mạnh, đồng thời giá mía mua của nông dân chỉ tăng, chứ rất khó giảm. Niên vụ 2011, giá thành bình quân toàn ngành là 15.700 đồng/kg, với giá bán hiện nay, một số đơn vị đã chấp nhận lỗ.

Nếu so sánh tương quan với một đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan thì họ có ba lợi thế nổi trội là quy trình sản xuất mía được cơ giới hóa, công suất của các nhà máy đều rất lớn nên chi phí sản xuất giảm thiểu, đồng thời nhà nước có những chính sách hỗ trợ lớn cho nông dân sản xuất đường.

Mặt khác, đến năm 2018, ngành đường sẽ chịu áp lực lớn khi theo cam kết WTO, AFTA, thuế suất thuế nhập khẩu đường vào Việt Nam sẽ bằng 0.

Khó khăn chung là như vậy, nhưng 9 tháng đầu năm nay, SLS ước đạt 580 tỷ đồng doanh thu, 81 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ 68 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 509 tỷ đồng doanh thu và 39,1 tỷ đồng lợi nhuận. Ông có thể chia sẻ lý do?

SLS đã từng rất khó khăn. Công ty vốn là một doanh nghiệp nhà nước nhiều năm thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Sau khi có sự hỗ trợ của Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) trong việc chuyển nợ thành vốn góp và trở thành cổ đông chi phối, SLS dần trở lại quỹ đạo phát triển. Một kế hoạch trả hết nợ cho DATC trong 5 năm đã được vạch ra, nhưng chỉ sau 2 năm tái cơ cấu, chúng tôi đã trả hết nợ.

Có thể với sự giúp đỡ của DATC, tình hình tài chính của SLS đã ổn. Nhưng vấn đề là các tác động khách quan từ thị trường, Công ty xử lý thế nào?

Bối cảnh càng khó khăn, DN càng phải tái cơ cấu toàn diện, trong đó tái cơ cấu tài chính chỉ là bước đi đầu tiên. Tiếp đó là quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu. Mỗi năm, Công ty đầu tư gần 100 tỷ đồng cho gần 5.000 hộ dân trồng mía, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau đó là tái cơ cấu quản trị và nhân sự, với đích đến là giảm thiểu chi phí. Niên vụ vừa qua, giá thành sản xuất của chúng tôi là xấp xỉ 14.000 đồng/kg đường trên giá thành trung bình toàn ngành 15.700 đồng. Niên vụ tới, tôi đặt bài toán là Công ty phải giảm giá thành xuống dưới 13.000 đồng/kg đường. Vì vậy, với giá bán hiện nay và nếu có hạ thêm chút nữa, chúng tôi vẫn có lãi.

Nhưng ông là đại diện vốn của DATC tại SLS, là Chủ tịch HĐQT mà lại ở Hà Nội, trong khi đó, đại bản doanh Công ty ở Sơn La, việc chỉ đạo có vẻ cũng có những bất cập?

Theo tôi, nếu sát sao thì khoảng cách địa lý chỉ là một yếu tố nhỏ. Ví dụ, hiện nay, Công ty có gần 500 lao động kể cả hợp đồng, nhưng chỉ thay đổi một người dù ở vị trí nào, Chủ tịch Công ty cũng phải biết và có ý kiến. Hay như vừa qua, dự báo diễn biến đi xuống của giá đường, tôi và Ban điều hành quyết định bán hết lúc giá cao. Vì vậy, hiện giá có giảm, Công ty cũng không còn hàng tồn kho mà bán.

Công ty đang hoạt động rất tốt. Nhưng nói gì thì nói, quyết định niêm yết cổ phiếu trong bối cảnh chứng khoán đìu hiu như lúc này là quá dũng cảm, thưa ông?

Đã có nhiều người nói điều này. Nhưng khi lên sàn, sức ép phải minh bạch sẽ cao hơn, người lao động và cổ đông sẽ là người hưởng lợi đầu  tiên từ sức ép này. Mặt khác, tôi cho rằng, cơ cấu cổ đông của Công ty rất tập trung (DATC hiện sở hữu 47%, một nhà đầu tư tổ chức khác sở hữu 45%) nên giá cổ phiếu sẽ khá ổn định. Quan trọng hơn là TTCK rồi sẽ ổn định và phát triển trở lại, chứ không thể mãi suy trầm. Tôi cho rằng, thời điểm lên sàn ngày 16/10 tới sẽ là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Mía đường Sơn La.

Giá đường thế giới từ tháng 3/2012 tới nay
Giá đường thế giới từ tháng 3/2012 tới nay

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện