Thứ Hai | 10/06/2013 11:38

Chủ tịch Quốc hội nêu 4 căn cứ đánh giá tín nhiệm

“Căn cứ quan trọng nhất để lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội”, Chủ tịch Hùng nhấn mạnh vào phiên họp sáng nay 10/6.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dành 15 phút để nói về các căn cứ và các công đoạn tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn đã được Quốc hội quyết định.

“Đây là việc rất hệ trọng, đồng bào cử tri đang theo dõi và có ý xem Quốc hội làm việc thế nào”, Chủ tịch mở đầu bài phát biểu.

Ông cũng nhấn mạnh rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao về công tác nhân sự theo quyền của mình. Chính các vị đại biểu sẽ thay măt cử tri và đồng bào cả nước để thực hiện nhiệm vụ đánh giá tín nhiệm với các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước do chính Quốc hội mới bầu chưa được hai năm.

“Đây là lần đầu tiên trên thế giới việc này được tiến hành ở Quốc hội”, ông nhấn mạnh.

Đề nghị Quốc hội cân nhắc thận trọng khách quan công tâm và đặc biệt chính xác qua lá phiếu, Chủ tịch cũng nêu rõ bốn căn cứ để đánh giá tín nhiệm.

Thứ nhất, là căn cứ báo cáo tự đánh giá của các vị được lấy phiếu. Báo cáo này đã được làm rất đúng với quy định của Quốc hội, đã gửi tới các vị đại biểu đúng vừa sớm hơn so với yêu cầu, để các vị nghiên cứu.

Thứ hai, căn cứ được Chủ tịch nhấn mạnh là rất quan trọng, đó là tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại từ đó soi trở lại bộ máy nhà nước nói chung và các vị được lấy phiếu. Từ tình hình này nói lên nỗ lực và những yếu kém tồn tại chưa khắc phục được. Đây cũng là căn cứ, là thông tin rộng khắp đồng bảo cử tri cả nước đều biết, là căn cứ để có được đánh giá toàn diện với hoạt động của nhà nước.

Căn cứ thứ ba, theo Chủ tịch là kết quả hoạt động của Quốc hội thông qua chức năng nhiệm vụ của mình để nghe, xem xét, quyết định qua tổ chức tiếp xúc cử tri, giám sát, chất vấn, báo cáo giải trình.

Cuối cùng, căn cứ quan trọng nhất là đánh giá của bản thân mỗi đại biểu Quốc hội, đảm bảo khách quan, thận trọng, chính xác và tính lịch sử. Sự công tâm khách quan sẽ quyết định chất lượng hoạt động hệ trọng này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ông cũng bộc bạch, bản thân vừa là người tham gia bỏ phiếu, vừa là người được các vị đại biểu đánh giá tín nhiệm, nên có hai tâm trạng: hồi hộp chờ đợi kết quả xem Quốc hội đánh giá mình thế nào để mình còn phấn đấu, hai là cũng phải bỏ lá phiếu để đánh giá tín nhiệm người khác.

“Động tác rất đơn giản nhưng ý nghĩa rất quan trọng. Thận trọng, khách quan, công tâm thì sẽ làm việc chính xác”, ông nói.

Về quy trình, Chủ tịch cũng nêu bốn bước chính. Đầu tiên là biểu quyết thông qua danh sách các vị lấy phiếu, hai là tiến hành thảo luận ở các đoàn, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giải trình báo cáo thảo luận này, từ đó sang bầu ban kiểm phiếu và bỏ phiếu.

“Sáng 11/6 sẽ công bố kết quả và thông qua nghị quyết, nội dung này sẽ được công bố công khai và đương nhiên sẽ đến đồng bào cả nước”, ông Hùng cho biết.

Về danh sách cụ thể, ông giải thích tiêu chí để lấy phiếu là người được lấy phiếu phải đang giữ chức vụ được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Hai là có thời gian giữ chức vụ đó trên dưới một năm.

Căn cứ vào hai tiêu chí này thì các ông Vương Đình Huệ, Đinh Tiến Dũng và Nguyễn Hữu Vạn không nằm trong danh sách lần này.

Kết qủa biểu quyết danh sách 47 vị được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình, có 483 đại biểu tham gia biểu quyết, tán thành 476 (95,58%), 6 vị không tán thành và 1 vị không biểu quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “các vị đại biểu không sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng để đánh giá mức độ tín nhiệm”.

Danh sách 47 vị được lấy phiếu tín nhiệm:1. Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước2. Nguyễn Thị Doan - Phó chủ tịch nước3. Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội4. Uông Chu Lưu - Phó chủ tịch Quốc hội5. Nguyễn Thị Kim Ngân - Phó Chủ tịch Quốc hội6. Tòng Thị Phóng - Phó chủ tịch Quốc hội7. Huỳnh Ngọc Sơn - Phó chủ tịch Quốc hội8. Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường9. Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế10. Trần Văn Hằng - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại11. Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách12. Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp13. Nguyễn Kim Khoa - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh14. Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật15. Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội16. Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban Công tác đại biểu17. Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội18. Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc19. Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng20. Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng Chính phủ21. Hoàng Trung Hải - Phó thủ tướng Chính phủ22. Nguyễn Thiện Nhân - Phó thủ tướng Chính phủ23. Vũ Văn Ninh - Phó thủ tướng Chính phủ24. Nguyễn Xuân Phúc - Phó thủ tướng Chính phủ25. Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch26. Nguyễn Thái Bình - Bộ trưởng Bộ Nội vụ27. Nguyễn Văn Bình - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước28. Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội29. Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp30. Trịnh Đình Dũng - Bộ trưởng Bộ Xây dựng31. Vũ Đức Đam - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ32. Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương33. Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo34. Phạm Bình Minh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao35. Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn36. Giàng Seo Phử - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc37. Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an38. Nguyễn Minh Quang - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường39. Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ40. Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông41. Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng42. Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải43. Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế44. Huỳnh Phong Tranh - Tổng thanh tra Chính phủ45. Bùi Quang Vinh - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư46. Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao47. Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện Kiểm soát nhân dân Tối cao

Nguồn Vneconomy


Sự kiện