Chủ tịch PVN: Lọc hóa dầu Bình Sơn cần giảm chi phí sản xuất
Tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn đề nghị lãnh đạo BSR và các ban chuyên môn của Tập đoàn báo cáo, thảo luận 3 nhóm vấn đề chính tái cấu trúc BSR, tình hình sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, giải pháp phát triển Nhà máy Ethanol Dung Quất.
Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang nhận định, công tác tái cấu trúc của BSR đang được triển khai theo đúng lộ trình. Về nâng cấp mở rộng nhà máy, quan điểm của BSR vẫn ưu tiên số một là “tự lực tự cường”. Một khi quá trình đàm phán với đối tác ngoại kéo dài, BSR sẽ tự đứng ra triển khai nâng cấp mở rộng nhà máy.
Tổng giám đốc BSR Đinh Văn Ngọc báo cáo thêm, từ 18/8/2014, NMLD Dung Quất đã nâng công suất lên 105% và sẽ duy trì công suất này cho đến hết năm. Chắc chắn BSR sẽ tăng sản lượng, doanh thu và lợi nhuận trong năm nay so với 2013. Trong công tác bảo dưỡng tổng thể lần 2, BSR đã làm lợi cho ngân sách nhà nước thêm 540 tỉ đồng và làm lợi cho BSR 38,8 tỉ đồng sau khi tiết kiệm thời gian bảo dưỡng được 4 ngày.
Về tiêu thụ xăng E5, hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi đã có 110/150 cây xăng bán xăng E5. Và đến 1/9 tới, 100% các cây xăng trên địa bàn tỉnh sẽ bán xăng E5.
Thành viên HĐTV Tập đoàn Phan Đình Đức nêu quan điểm, tái cấu trúc nguồn lực lao động là việc hết sức quan trọng. BSR cần nhận thức rõ, việc đào tạo và chuyển nhượng chất xám từ BSR sang các đơn vị khác là một việc làm gia tăng giá trị cho BSR. Một số nhà máy lọc dầu đang xây dựng đang rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và BSR có thể đáp ứng một phần nguồn nhân lực đó. Đồng thời, ông Phan Đình Đức cũng đề nghị BSR đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa để tự chuyển hóa mình.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề của NMLD Dung Quất là làm thế nào để nâng cao sức cạnh tranh của nhà máy. Đồng thời Tập đoàn và BSR phải có kịch bản nâng cấp mở rộng nhà máy dựa trên cơ sở quản trị tốt.
Trong việc phát triển Nhà máy Ethanol Dung Quất, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Lê Mạnh Hùng nêu quan điểm BSR phải “hy sinh” một phần để hỗ trợ nhà máy này hoạt động ổn định trở lại.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn đề nghị, BSR cần phải năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong quá trình vận hành nhà máy, nâng cao năng lực cạnh tranh của NMLD Dung Quất so với các nhà máy trong khu vực và trên thế giới.
Quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch PVN Nguyễn Xuân Sơn là BSR cần chia nhỏ các phần việc nghiên cứu giảm chi phí sản xuất cho các bộ phận liên quan. "BSR xem xét giảm 0,1 hoặc cao hơn là 1% chi phí dầu thô. Chi phí quản lý năm 2014 cần giảm 5% so với năm 2013" - Chủ tịch PVN nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn đồng ý cho phép BSR nghiên cứu việc tăng mua cổ phần ở Công ty CP Bảo dưỡng và Sửa chữa công trình Dầu khí (PMS); tăng chi phí nghiên cứu khoa học công nghệ, thử nghiệm vận chuyển xăng E3 bằng đường biển.
Tại Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), Tổng giám đốc DQS Trần Hoài An báo cáo, DQS đã hoàn thành sửa chữa và bàn giao tàu VSP-05, tàu Hoàng Sa cho khách hàng. Chính thức ký các hợp đồng thi công đóng mới 02 tàu dịch vụ đa năng 12.000 mã lực với Vietsovpetro, sửa giàn Đại Hùng cho PVEP POC… DQS cũng đã tiếp nhận và triển khai thi công sửa chữa giàn Cửu Long.
Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2014, DQS không hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tiếp tục là năm khó khăn của đơn vị. Do đó, Tổng giám đốc DQS Trần Hoài An đề nghị PVN hỗ trợ DQS trong công tác tìm kiếm đối tác để cổ phần hóa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, DQS cần phải vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thanh lý những vậ tư tồn kho, đào tạo nâng cao nhân lực. Quy trình sửa chữa, bảo dưỡng các tàu dịch vụ, giàn khoan cũng cần được chuẩn hóa và có quy trình hiện đại. Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn cũng yêu cầu lãnh đạo DQS quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, nhất là các vấn đề thanh quyết toán.
Nguồn Theo DVO