Chủ tịch nước: 'Không để bị khiêu khích'
"Chúng ta phải tìm cách để khắc phục sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tất nhiên thoát ra thì có đau đớn nhưng thà tổn thất, đau đớn một thời gian còn hơn chúng ta bị lệ thuộc mãi", ông Lâm nói thêm. Ông đề nghị Đảng và nhà nước nên chọn cách tiếp cận tốt nhất, được lòng dân nhất để xây dựng đất nước tiến lên một cách bền vững.
Cũng bày tỏ bức xúc trước hành động Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 và kéo thêm 4 giàn khoan ra Biển Đông, ông Huỳnh Tấn Mẫm cho rằng, nếu Trung Quốc tiếp tục lấn tới, tạo nên “sự đã rồi” mà chúng ta chỉ dừng lại ở việc phản đối thì sẽ rất khó bảo vệ chủ quyền. "Nhiều lần xem tivi thấy tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, tôi phải thét lên vì không chịu nổi", ông Mẫm chia sẻ.
Theo ông Mẫm, kỳ họp vừa rồi Quốc hội không ra Nghị quyết về biển Đông là một điều đáng buồn. "Tôi nghe người dân nói, Quốc hội hình như có gì đó chưa quyết liệt. Trong khi nhiều nhà lãnh đạo của đất nước đã nói về vấn đề này rất mạnh mẽ", ông Mẫm nêu và cho rằng nếu lệ thuộc Trung Quốc sẽ không thể phát triển và xây dựng kinh tế - quốc phòng vững mạnh để bảo vệ Tổ quốc.
Đồng quan điểm, kỹ sư Trần Thiện Tứ đặt câu hỏi: "Trung Quốc lấn tới mà mình cứ như vậy thì tại sao không đưa ra tòa án quốc tế".
Tiếp nhận hàng loạt ý kiến bức xúc của các ủy viên UBMTTQ TP HCM trước tình hình chủ quyền đất nước bị xâm phạm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế vì hòa bình, vì sự phát triển, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi.
"Tôi khẳng định rằng, chúng ta không lệ thuộc bất cứ ai. Chúng ta vốn bị người ta xâm chiếm chứ ta không đánh ai cả. Muốn có hòa bình để xây dựng đất nước nhưng chúng ta không lệ thuộc nước khác, mà phải bình đẳng, độc lập, tự chủ", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về việc nhiều cử tri băn khoăn vì Quốc hội không ra Nghị quyết về biển Đông, Chủ tịch nước cho rằng khi chuẩn bị ra nghị quyết hay phán quyết mang ý nghĩa lớn, hệ trọng phải rất cẩn thận. "Cử tri hỏi có phải ta sợ hay không? Tôi khẳng định không có chuyện đó. Vấn đề này là sống còn của một dân tộc, phải hành xử để bảo vệ lợi ích quốc gia mình cao nhất", Chủ tịch nước nói.
Ông cũng khẳng định, biển phải giữ, Trung Quốc vi phạm thì Việt Nam đấu tranh bằng con đường ngoại giao tối đa, ngoài ra cũng phải dựa vào toàn thế giới và luật pháp quốc tế. "Đó là lẽ tất nhiên đối với sự tồn tại của một quốc gia".
Đề cập đến việc phía Trung Quốc đã lưu hành 2 tài liệu phản bác Việt Nam tại diễn đàn Liên Hợp Quốc, người đứng đầu đất nước phân tích: "Phía Trung Quốc đưa công thư ông Phạm Văn Đồng, rồi sách giao khoa nhưng chúng ta có lý lẽ của chúng ta. Ông Phạm Văn Đồng có bao giờ nói Hoàng Sa -Trường Sa là của Trung Quốc đâu?", ông nói.
Theo ông, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền cần kiên trì, bền bỉ. "Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Tất nhiên, phải hết sức kiên trì và tránh đừng để bị ai khiêu khích", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nguồn VnExpress