Thứ Hai | 04/03/2013 15:52

Chủ tịch Lê Hùng Dũng: SJC không hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng

Chủ tịch SJC khẳng định không được hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng, thậm chí SJC phải chịu thiệt do cách quản lý mới của NHNN.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng nhiều biện pháp hành chính nhưng giá vàng trong nước vẫn chênh lệch lớn với giá vàng quốc tế.

Trước câu hỏi phải chăng Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được hưởng lợi nhờ chênh lệch này, trong buổi trả lời phỏng vấn trực tuyến về quản lý thị trường vàng do báo điện tử VnExpress tổ chức chiều ngày 4/3, Chủ tịch SJC Lê Hùng Dũng nói, SJC hiện trở thành đơn vị kinh doanh bình thường như các đơn vị khác, thậm chí chịu thiệt do NHNN quản lý thị trường vàng theo cách mới.

Theo ông Dũng, trước đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng mang lại 80% doanh thu cho SJC. Nhưng, sau khi có Nghị định 24 thì doanh thu, lợi nhuận SJC chỉ còn 20% so với trước. SJC cũng không còn toàn quyền sản xuất, phân phối, quyết định giá mà do NHNN quyết định.

Lợi nhuận trong thời điểm này cũng chỉ từ hoạt động kinh doanh bình thường khác, không xuất phát từ lợi ích do thương hiệu SJC mang lại như trước nữa. Bởi SJC không tự quản lý, NHNN ấn định giá bán, giá mua vàng.

"Chính vì vậy, hoạt động kinh doanh lời lỗ của SJC cũng giống như PNJ, ACB, AAA, Bảo Tín Minh Châu, hoàn toàn không có hưởng lợi nhờ chênh lệch giá", ông Dũng khẳng định lại.

Giá vàng trong nước chênh lệch rất lớn so với giá vàng thế giới cũng khiến dư luận đang đặt ra câu hỏi, việc chênh lệch giá này sẽ mang lại lợi nhuận cho nhà nhập khẩu hoặc NHNN (nếu tự nhập) ?

Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, việc NHNN thực hiện chức năng này là nhằm mục tiêu kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế và phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Cho đến nay, NHNN cũng chưa tiến hành việc nhập khẩu vàng nguyên liệu.

"Hiện theo các quy định hiện hành, chỉ có NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng cũng như độc quyền sản xuất vàng miếng. Do vậy, khi giá vàng trong nước chênh lệch cao với thế giới có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô nói chung thì việc NHNN tham gia bình ổn thị trường vàng là cần thiết", ông nói.

Phó Thống đốc cũng chia sẻ thêm, trong thời gian qua, NHNN triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để bình ổn thị trường chứ ngoài giải pháp hành chính, bao gồm tổ chức, thiết lập mạng lưới mua bán vàng miếng, thực hiện các phương án tạm xuất, tái nhập vàng nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, NHNN cũng đang xây dựng các cơ chế để can thiệp thị trường.

Nguồn Khampha


Sự kiện