Thứ Tư | 02/01/2013 08:21

Chủ tịch HSX: Thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hiệu quả cho người có tiền nhàn rỗi

Ông Trần Đắc Sinh cho rằng, các doanh nghiệp trụ được trong 2 năm qua thì năm 2013 có thể phát triển tốt.
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) nhận định, VN-Index tăng trưởng 2 con số trong năm 2012 và thị trường chứng khoán năm 2013 sẽ tốt hơn.

Ông dự cảm thế nào về thị trường chứng khoán năm 2013 khi nhìn lại năm 2012?

Năm 2013, thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn năm 2012. VN-Index năm 2012 tăng 17,7%, theo tôi là cũng được xét đến triển vọng này. Thị trường sẽ tốt hơn nhờ các giải pháp hỗ trợ kinh tế mà Chính phủ đã công bố.

Về phía HSX, Sở sẽ tiếp tục triển khai một số công việc trọng tâm là hoàn thành đầu tư Tòa nhà B, Dự án Trung tâm dự phòng cũng gần xong và quan trọng là triển khai gói thầu cung cấp hệ thống công nghệ thông tin đã ký với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc.

Đây là gói thầu quyết định hệ thống công nghệ thị trường chứng khoán Việt Nam dùng cho cả 2 Sở và Trung tâm Lưu ký. Nó phục vụ cho quá trình tái cấu trúc thị trường. Gói thầu dự kiến thực hiện trong 18 tháng, nên năm 2013 sẽ là năm bản lề để triển khai.

Sự sàng lọc các công ty niêm yết sẽ tiếp tục diễn ra, thưa ông?

Có một số cổ phiếu quá xấu, làm cho nhà đầu tư nhìn vào thấy mất cái hay của thị trường, nên tôi ủng hộ một số công ty lỗ lũy kế nhiều năm, định hướng phát triển không tốt rút khỏi sàn, kể cả các công ty chứng khoán. Cuộc chơi của thị trường chứng khoán sẽ thay đổi khi khung pháp lý ngày càng hoàn thiện.

Nhưng cũng cần thu hút doanh nghiệp tốt lên niêm yết, bổ sung hàng hóa có chất lượng cho sàn? Theo ông, đâu là giải pháp cần ưu tiên?

Chúng tôi đã sẵn sàng để những sản phẩm mới như quỹ đầu tư chỉ số (ETF) lên niêm yết, tới đây sẽ là sản phẩm Covered Warrants (chứng quyền) - Sở đang tập huấn và xây dựng đề án để trình Bộ Tài chính trong quý I/2013. Hai sản phẩm mới này sẽ kích hoạt thị trường thứ cấp sôi động hơn, từ đó thúc đẩy thị trường sơ cấp, tạo môi trường cho hoạt động cổ phần hóa. Ngoài ra, Sở tiếp tục kiến nghị miễn giảm thuế, khuyến khích thành lập quỹ mở, quỹ hưu trí tự nguyện…

“Room” cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là vấn đề cần giải quyết sớm. Theo tôi, nâng room có 2 cách. Thứ nhất, Chính phủ nghiên cứu những ngành không cần sở hữu chi phối thì nới room, thậm chí “thả” hẳn. Thứ hai, nghiên cứu áp dụng chính sách để nhà đầu tư được quyền mua cổ phiếu không có quyền biểu quyết như thị trường Thái Lan đang áp dụng. HSX đang nghiên cứu để đề xuất với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giải pháp đó.

Sở cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư của Bộ Tài chính đặt ra 2 phương án cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu công ty chứng khoán là 49% hoặc 100%. Qua tiếp xúc nhà đầu tư và đại sứ một số nước, tôi nhận được phản hồi là quy định như vậy rất khó để nhà đầu tư chi phối công ty chứng khoán. Có khi còn một vài phần trăm nhà đầu tư không mua được vì người sở hữu không chịu bán, hay đòi giá cao… Theo tôi, nên để nhà đầu tư nước ngoài mua đủ tỷ lệ kiểm soát.

Ông có lo ngại về việc các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ dần dần thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam?

Tôi không cho là họ sẽ thoái vốn hết nếu thị trường tăng trưởng trên 10%, vì họ cũng không kỳ vọng tăng trưởng cao. Nhìn bên ngoài thì thấy thị trường oải oải, nhưng đi vào cụ thể từng doanh nghiệp thì không phải là quá tệ. Trên sàn HSX chỉ có 60 doanh nghiệp lỗ không chia cổ tức, còn lại đều có lãi, trả cổ tức. Bức tranh không phải toàn màu xám. Nếu có giải pháp đồng bộ thì thị trường hoàn toàn có khả năng giữ lại dòng vốn này và thu hút thêm vốn.

Một vấn đề nữa là Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo việc liên kết các thị trường chứng khoán ASEAN. Sở đang nghiên cứu để trình Bộ Tài chính cho phép thực hiện. Vài tháng trước, Thái Lan, Singapore, Malaysia đã kết nối giao dịch với 30 cổ phiếu hàng đầu của mỗi Sở. Việt Nam mong muốn là Sở thứ tư hoặc thứ năm tiến hành kết nối.

Kết nối thị trường ASEAN là lộ trình dài và tôi mong, khi hệ thống công nghệ mới vận hành, quá trình chuẩn bị cho kết nối cũng hoàn tất. Lộ trình này sẽ là cú hích nhất định cho thị trường chứng khoán, tăng tính hấp dẫn khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào thị trường Việt Nam.

Tăng cường tính minh bạch cũng là yếu tố giữ nhà đầu tư ở lại. Gần đây, nhiều quyết định xử phạt được ban hành, nhưng phạt doanh nghiệp niêm yết là chính, không thấy cá nhân chịu trách nhiệm?

Đúng là trong văn bản quy phạm pháp luật về chứng khoán hiện nay chưa rõ về xử phạt cá nhân. Sở hiện nay làm gắt với các hành vi vi phạm, cứ có hiện tượng vi phạm là đưa ngay lên trang web, giải trình sau. Chúng tôi kiến nghị, nếu doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin thì xử phạt cả công ty cùng những người liên đới chịu trách nhiệm. Tức là phải quy trách nhiệm cá nhân cho các sai phạm.

Ông nhận định thế nào về triển vọng của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2013?

Nói chung, các doanh nghiệp trụ được trong 2 năm qua thì năm 2013 có thể phát triển tốt. Còn doanh nghiệp các ngành bị khủng hoảng như vận tải, sắt thép, địa ốc... thì cần có thời gian. Nhưng tôi tin rằng, thị trường chứng khoán vẫn là “chợ” tốt cho mọi người mua bán chứng khoán. Đây là một kênh đầu tư hiệu quả cho người có tiền nhàn rỗi, nhưng phải tỉnh táo và có kiến thức.

Nguồn Đầu tư chứng khoán


Sự kiện