Chủ tịch HOSE: “Thông tư 36 không giảm vốn vào chứng khoán”
Chia sẻ với các doanh nhân của Câu lạc bộ G20 Businnes Dinner, ông Sinh cho biết ngày 23/1, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sẽ làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội để bàn vấn đề tháo gỡ vướng mắc trong thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
“Với quy định liên quan tới chứng khoán, về mặt lý thuyết tôi ủng hộ thông tư này nhưng phải có bước đi phù hợp”, ông Sinh nhận định.
Có ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn không nên vay vốn ngân hàng ra để kinh doanh. Ông Sinh không đồng tình với quan điểm này.
Theo ông Sinh, chứng khoán là hàng hóa mua bán lưu động hàng ngày. Thông tư này không bớt nguồn vốn vào chứng khoán mà chọn ra những ngân hàng đủ năng lực mới được cho vay. Những ngân hàng này sẽ dành ra một phần để cho vay vốn lưu động trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên đánh giá tác động cụ thể của việc áp dụng thông tư trên tới thị trường, lãnh đạo HOSE cho rằng sẽ có sự "rung lắc" đáng kể.
“Thông tư 36 chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường chứng khoán nhưng phụ thuộc vào các diễn biến trong qua trình triển khai, các chỉ đạo của NHNN đối với các ngân hàng thương mại. Sau khi trải qua giai đoạn rung lắc, thông tư sẽ phát huy tác dụng tích cực. Tương tự như giá dầu, khi xuống đến mức độ nào sẽ là yếu tố làm tăng lợi nhuận, vì đây là nguyên liệu đầu vào cơ bản của nhiều ngành”, ông Sinh cho biết.
Mở room là kỳ vọng trong năm 2015
Chia sẻ về vấn đề tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Trần Đắc Sinh cho rằng tưởng chừng “ đã xong” nhưng lại vướng mắc hàng loạt văn bản, quy định khác.
Khi mở room, hôm nay doanh nghiệp đang là 49% nhưng ngày mai lên 51% thì là doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước và nếu ngày kia nó tụt xuống 49% thì ra sao?
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài có sự khác nhau về chính sách thuế, ưu đãi về xuất khẩu, nhập khẩu kể cả chính sách lao động tiền lương với người lao động cũng khác.
“Nhiều vấn đề cần tháo gỡ mới mở được room. Nói nghe rất đơn giản nhưng khi triển khai thì không hề đơn giản. Các lãnh đạo cấp cao cũng kỳ vọng trong năm 2015 này có thể mở room.”, ông Sinh chia sẻ.
Bên cạnh vấn đề nới room, chủ tịch HOSE cũng nhấn mạnh sở đang triển khai quyết liệt trong việc nghiên cứu cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NDVR) để có gỡ được vấn đề room khối ngoại.
Trong tháng 1/2015, HOSE sẽ có đoàn đi tham khảo một số nước triển khai thành công sản phẩm NVDR để về áp dụng trên thị trường Việt Nam.
Quy mô thị trường quá nhỏ và thiếu cạnh tranh
Nói về việc sáp nhập hai Sở Giao dịch chứng khoán, ông Trần Đắc Sinh cho thị trường chứng khoán Việt Nam quá nhỏ bé.
Hiện nay quy mô vốn hóa của thị trường Việt Nam khoảng hơn 50 tỷ USD, chỉ bằng 1/10 thị trường Thái Lan, bằng 1/6 Philippines và bằng 1/14 của Singapore. Trong khi đó GDP Việt Nam bằng 1/3 Thái Lan mà thị trường chứng khoán chỉ bằng 1/10.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có cổ phiếu cơ bản là ngân hàng và rất thiếu hàng hóa các ngành khác. Thiếu cả cổ phiếu và trái phiếu; ETF vừa làm được rất hoành tráng nhưng cũng đang không thu hút được sự quan tâm.
Bên cạnh đó, hiện nay phí giao dịch trên thị trường Việt Nam quá cao. Công ty chứng khoán thu của nhà đầu tư, Sở Giao dịch chứng khoán thu của công ty chứng khoán phí lưu ký gấp nhiều lần so với các nước.
Chi phí hoạt động lớn trong đó có chi phí đường truyền. Hiện tối thiểu một công ty chứng khoán phải có 3 đường truyền chính và 3 đường truyền phụ.
HOSE đang triển khai hệ thống công nghệ trị giá 30 triệu USD, đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết, dự kiến hoàn thành cuối năm 2016. Khi hệ thống công nghệ này ra đời chỉ cần một đường truyền chính và một đường truyền dự phòng.
“Sẽ giải bài toán cạnh tranh với được với các thị trường khu vực. Chi phí giảm mới cạnh tranh được”, ông Sinh đánh giá.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có tiềm năng trở thành “hoa hậu” khu vực
Nhận định về chứng khoán 2015, chủ tịch HOSE cho biết ông khá lạc quan và có cơ sở cho điều này.
“Vào Asean Link, liên kết với các thị trường chứng khoán trong khu vực, mình có tiềm năng trở thành ‘hoa hậu’. Hàng nghìn doanh nghiệp nhà nước nếu được cổ phần hóa và niêm yết, quy mô thị trường sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần hiện nay. Tốc độ nhanh hay chậm là do cách làm, quyết sách của mình”, ông Sinh nhận định.
Hiện đã có Quyết định 51 trong đó quy định sau 90 ngày sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa và tiến hành đại hội cổ đông lần đầu là phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Như vậy thị trường sẽ sôi động hơn.
Tuy nhiên ông Sinh cũng nhấn mạnh rằng cần có công cụ, tạo điều kiện để khối ngoại tham gia nhiều hơn vào thị trường.
“Bây giờ mà bảo hô hào trải thảm cho khối ngoại vào đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu thì quy mô cũng chỉ còn 3-4 tỷ USD. Giống như kêu gọi, chào mời mua hàng mà không có hàng để bán. Ngoài ra, phải có công cụ phòng ngừa rủi ro cho họ”, ông Sinh đánh giá.
Đại diện HOSE cho biết, năm nay thị trường sẽ có sản phẩm chứng quyền (covered warrant), cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR). Riêng chứng khoán phái sinh dự kiến cuối 2016, đầu 2017 sẽ triển khai.
Nguồn Diễn đàn đầu tư