Chủ tịch Hiệp hội vàng: Nhu cầu vàng không lớn
Diễn biến thị trường vàng 6 tháng đầu năm 2014 có điểm nào cần lưu ý, thưa ông?
Giá vàng trong nước nửa đầu năm 2014 có tăng. Nếu như đầu năm, giá vàng bán ra ở mức trên 35 triệu đồng/lượng thì, những ngày đầu tháng 7, giá vàng SJC giao dịch xung quanh mức 36,90 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua thị trường vàng vẫn giữ được sự ổn định, không xuất hiện hiện tượng xếp hàng mua vàng, khan hiếm vàng. Thành công này một mặt cũng do giá vàng thế giới không có những biến động lớn, nhưng mặt khác cũng cho thấy các giải pháp của NHNN và Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng tiếp tục phát huy hiệu quả.
Tôi có thể lấy một ví dụ để chứng minh: vào thời điểm khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta thì giá vàng trong nước có tăng nhẹ. Song, thực tế thì nhu cầu không lớn và sau khi NHNN công bố sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn cung vàng thì ngay lập tức thị trường dịu xuống.
Thời điểm đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra là tại sao NHNN không tổ chức đấu thầu vàng để cung ứng cho thị trường?
NHNN chắc chắn biết được nhu cầu vàng ở mức nào thì mới tổ chức các phiên đấu thầu vàng. Thực tế từ đầu năm đến nay, NHNN chưa tổ chức phiên đấu thầu vàng nào, nhưng nguồn cung vẫn đáp ứng được thị trường. Như tôi đã nói, sau khi có công bố từ phía NHNN thì thị trường đi vào ổn định, chứng tỏ không có gì là sốt nóng, nhu cầu không lớn lắm. Ngay như hiện nay, tôi được biết, người bán vàng vẫn nhiều hơn người đi mua.
Theo tôi, thị trường vàng ổn định trong thời gian vừa qua còn được cộng hưởng từ nhiều chính sách trước đó, như việc NHNN quy định NHTM không được cho vay kinh doanh vàng. Chính sách này tác động mạnh tới ổn định thị trường, vì người kinh doanh đầu cơ họ phải dựa vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó khi cắt nguồn tín dụng thì thị trường đi vào ổn định hơn và nhu cầu thị trường thực hơn. Phải thực sự cần cho mục đích cá nhân thì người dân mới mua vàng, chứ không mua để đầu cơ như trước.
Thị trường vàng miếng ổn định, nhưng gần đây lại có nhiều ý kiến băn khoăn về vàng trang sức. Ông nghĩ sao về việc này?
Có thể do người dân chưa hiểu rõ về Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Về cơ bản những quy định tại Thông tư này hướng tới việc làm sao để tạo chất lượng hơn cho vàng trang sức. Bởi suốt thời gian dài vừa qua, chất lượng vàng nữ trang bị thả nổi nên người tiêu dùng chỉ còn cách mua đâu bán đó nhằm tránh bị ép giá. Việc chấn chỉnh để thị trường vàng nữ trang minh bạch hơn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết. Nhưng khi đi vào thực hiện có phần lúng túng.
Chẳng hạn, Thông tư yêu cầu các đơn vị phải thực hiện các biện pháp về đo lường, cân phải được kiểm định, có chứng chỉ kiểm định còn thời hạn sử dụng... Tuy nhiên đến nay, các tiệm vàng chưa biết cơ quan nào sẽ đứng ra kiểm tra, phương thức kiểm tra tuổi vàng thế nào, dùng cân nào cho chuẩn và khi cần đối chiếu, kiểm định thì liên hệ ở đâu... Theo tôi, để quản lý hiệu quả vàng trang sức cũng cần thêm thời gian và cần thêm các giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Hiện nay các ngân hàng cũng đã kinh doanh vàng trang sức nhưng chưa phát huy tốt lĩnh vực kinh doanh này. Bởi thực tế sản xuất kinh doanh vàng trang sức đòi hỏi máy móc, thợ kim hoàn có kỹ thuật.
Ông có dự báo gì xu hướng giá vàng cuối năm?
Theo tôi, tình hình chính trị trên thế giới sẽ chi phối diễn biến thị trường vàng trong 6 tháng cuối năm nên rất khó đưa ra dự báo vào lúc này.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Thời báo Ngân hàng