Thứ Tư | 20/03/2013 12:05

Chủ tịch AVS xin lỗi cổ đông trước giờ giải thể

Ông Đoàn Đức Vịnh cho biết, ông xin lỗi cổ đông vì không làm tròn bổn phận của chủ tịch một công ty chứng khoán, để công ty thua lỗ nhiều năm.
Ông Đoàn Đức Vịnh
Ông Đoàn Đức Vịnh
Trước đại hội cổ đông cuối cùng chiều nay, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Âu Việt Đoàn Đức Vịnh chia sẻ với VnExpress sự nuối tiếc cũng như bài học rút ra sau 7 năm gắn bó với nghiệp chứng khoán.

Tâm trạng của ông trước đại hội cổ đông chiều nay thế nào?

Chứng khoán đã gắn bó với tôi suốt 7 năm trời trong công việc kinh doanh, đời thường, ngôn từ và hành vi cuộc sống. Đưa ra quyết định giải thể Chứng khoán Âu Việt là do các cổ đông lớn, Hội đồng quản trị chúng tôi đã suy nghĩ kỹ, đã quyết và không có đường trở lại. Việc kinh doanh của cá nhân tôi và các thành viên Hội đồng quản trị vẫn còn nhiều liên đới tới chứng khoán. Có cơ hội đầu tư thì sẵn sàng vào cuộc, đó là niềm đam mê của mọi nhà đầu tư.

Quá trình giải thể hiện được thực hiện đến đâu thưa ông ?

Lập công ty chứng khoán khó một, đóng cửa công ty lại khó gấp 1.000 lần. Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của nhà đầu tư phàn nàn về việc chậm trễ tiến hành giải thể, khiến họ lo sợ không thu hồi xong vốn. Thực tế chúng tôi phải thực hiện rất nhiều công đoạn mới giải thể được, chẳng hạn tất toán tài khoản, giải quyết công nợ, thanh lý tài sản, hợp đồng tư vấn và quản lý sổ cổ đông, quyết toán thuế, chưa kể còn phải đóng gói hồ sơ lưu trữ 15 năm. Những việc này hoàn tất xong mới tính đến chuyện chia tài sản.

Tôi xin phép thay mặt công ty gửi lời xin lỗi tới cổ đông vì không làm tròn bổn phận chủ tịch của một công ty chứng khoán. Để công ty thua lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả, nhưng trong bài toán khó này, lời giải của chúng tôi là giải thể càng sớm càng tốt, chắc là đáp số ngắn nhất.

Sau giải thể công ty, quyền lợi của cổ đông sẽ được giải quyết ra sao?

Công ty còn khoảng 1.000 cổ đông, trong đó 30 người nằm trong Hội đồng quản trị và nhân viên, chiếm 90% cổ phần. Gần 900 cổ đông nhỏ lẻ ở khắp miền của đất nước, chủ yếu ở Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, và các tỉnh phía Bắc, chiếm chưa tới 10% cổ phiếu niêm yết, mỗi cổ đông nắm giữ vài trăm cổ phiếu.

Chúng tôi đã gửi thư, email, đăng website công ty, gọi điện thoại và thông qua các cơ quan truyền thông về việc ngày 20/3/2013 tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2013 có một số nội dung đặc biệt quan trọng như hủy niêm yết cổ phiếu và tiến tới giải thể công ty. Rất nhiều cổ đông phần vì giữ ít cổ phiếu, phần vì nay đã từ giã sân chơi chứng khoán đi làm công việc khác, quên mất mình là cổ đông của Chứng khoán Âu Việt. Mọi quyền lợi của cổ đông vẫn được giải quyết theo trình tự mà đại hội sắp tới vạch ra.

Vậy còn nhân viên công ty, họ sẽ làm gì sau khi Âu Việt giải thể?

Từ năm 2010, Chứng khoán Âu Việt đã định hướng sẽ thu gọn hoạt động kinh doanh cho tới thời điểm đại hội cổ đông 2013. Công ty đưa ra quyết định tổ chức đại hội xin ý kiến hủy niêm yết trên sàn Hà Nội và tiến tới giải thể doanh nghiệp.

Từ lúc công ty có gần 120 nhân sự cho tới thời điểm này còn trên 10 nhân sự, chủ yếu tập trung ở mảng tự doanh và kế toán. Các quyền lợi cho nhân viên đều được giải quyết theo đúng luật lao động, mọi việc diễn ra suôn sẻ không có tranh chấp.

Mỗi nhân viên trước khi nghỉ việc tại Chứng khoán Âu Việt hầu như đã được sắp xếp làm việc ở các đơn vị khác như công ty chứng khoán, ngân hàng và một số doanh nghiệp là đối tác của Âu Việt. Nói chung kẻ đi người ở lại, công ty đã giải thể sau bao năm gắn bó thì sao mà vui được. Tuy nhiên nhân viên Âu Việt cũng không quá buồn vì trong mỗi con người đều có hình ảnh, kỷ niệm của những năm gắn bó với thị trường, với khách hàng, vui có và buồn có. Họ coi Âu Việt là gia đình thứ 2 của mỗi người.

Với bản thân, ông dự định sẽ làm gì sau khi công ty giải thể?

Vì quá trình giải thể công ty mới bắt đầu, tôi chưa thể nói sẽ có những dự định gì tiếp theo. Tuy nhiên tài chính và bất động sản vẫn là 2 lĩnh vực tôi gắn bó và sẽ lưu tâm nhiều. Sau Âu Việt, tôi cũng rút ra rất nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Muốn đầu tư vào lĩnh vực nào trước tiên phải hiểu sâu sắc, phải có chuyên môn, phải có nguồn tài chính vững mạnh và quan trọng nhất là phải biết dừng lòng tham.

Sau 7 năm, tôi thấy rằng để làm được chứng khoán, cần có khả năng phân tích được vĩ mô, vi mô, đưa ra chiến lược đầu tư cho công ty thì cũng phải biết cắt lỗ. Chính vì tham mà không cắt lỗ, dẫn đến nhiều nhà đầu tư cũng chung thuyền như chúng tôi. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam mới ở giai đoạn đầu, quy mô còn nhỏ so với tiềm năng phát triển nền kinh tế và có những giai đoạn lên -xuống, cơ hội chắc chắn còn rất nhiều cho những ai biết nắm bắt.

Nguồn VnExpress


Sự kiện