Chủ tịch AVS: Tôi không nuối tiếc khi giải thể công ty lúc này
Thưa ông, thị trường đang có dấu hiệu hồi phục trở lại, tại sao AVS lại ra quyết định giải thể trong thời điểm này?
Ông Đoàn Đức Vịnh: Chúng tôi ra quyết định giải thể AVS trong thời gian này vì có lẽ tôi không có duyên là môi giới chứng khoán. Ai cũng biết rằng mảng môi giới chứng khoán là mảng hoạt động cốt lõi – là linh hồn của các công ty chứng khoán. Khi AVS quyết định rút nghiệp vụ môi giới tức là chúng tôi đã có ý định muốn rút khỏi thị trường.
Sau bao nhiêu năm làm chứng khoán, tôi nhận ra rằng nếu mình làm trong sạch thì không thể nào cạnh tranh vững mạnh với các công ty chứng khoán lớn có nhiều chiêu trò được. Hơn nữa, các khách hàng của tôi liên tục thua lỗ, phải bán nhà bán cửa, nếu mình có lời mình cũng không ngủ ngon.
Đội ngũ Hội đồng quản trị cũng đã quá mệt mỏi với thị trường, mọi người không còn tâm huyết với chứng khoán và đi đến quyết định đóng cửa để chăm lo sức khỏe và làm các công việc khác.
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn quá nhỏ bé mà có tới 105 công ty hoạt động, thôi thì mình sẽ "ra đi" trước, để cho những công ty chứng khoán còn lại tiếp tục cạnh tranh.
Ông có thể cho biết kết quả kinh doanh năm 2012 của AVS không?
Năm 2012 AVS ước lỗ khoảng hơn chục tỷ. 9 tháng công ty lỗ 9,26 tỷ đồng, quý 4 lỗ thêm 1 ít nữa.
AVS đã đi cùng thị trường trải qua một thời gian dài khó khăn, đến ngày thị trường hồi phục AVS lại rút, ông có cảm thấy tiếc không?
Chúng tôi đã quyết và không nghĩ lại, tôi tin rằng quyết định của mình là đúng vì thị trường nếu có tăng cũng chỉ là nhất thời. Về lâu dài nền kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, giống như Đảng và nhà nước đã nhận định.
Ông có nghĩ rằng việc AVS hủy niêm yết và xin giải thể công ty sẽ tạo thành một tiền lệ cho hàng loạt các công ty chứng khoán nhỏ khác giải thể theo?
Nếu xét về vốn, AVS đứng thứ 30 trong 105 công ty chứng khoán và đã niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán từ năm 2010. Tôi nghĩ việc giải thể AVS trong thời gian này là một quyết định đúng đắn trong bối cảnh 10 công ty chứng khoán lớn đã chiếm tới 60% thị phần môi giới, các công ty chứng khoán nhỏ không thể cạnh tranh nổi. Việc ra đi lúc này sẽ tiết kiệm được tiền bạc, sức khỏe cho cả cá nhân tôi và các cổ đông.
Tôi mong rằng các công ty chứng khoán sẽ phát triển bền vững, đừng sử dụng margin nhiều cho nhà đầu tư bị thiệt hại, đối với các công ty chứng khoán nhỏ, thua lỗ kéo dài, việc giải thể công ty không phải là ý kiến tồi.
Vậy việc xử lý danh mục tự doanh ra sao, thưa ông?
Danh mục tự doanh của AVS hiện không đáng kể, các cổ phiếu OTC gần như mất thanh khoản do đó khó có thể bán cho ai.
Vậy phương án chia lại cho cổ đông ra sao thưa ông?
Hiện các thành viên Hội đồng quản trị đã nắm giữ tới 85% vốn của AVS, việc chia cổ phần sẽ đơn giản hơn, có thể chia tiền giống như trường hợp của Cáp Sài Gòn.
Nguồn CafeF