Thứ Tư | 16/05/2012 08:57

Chủ tịch AI Capital: VN-Index 600 điểm sẽ không bất ngờ

Với một danh mục đầu tư gồm 60 - 62% cổ phiếu tại thị trường Việt Nam, AIM đã đạt được lợi suất trên 47%, từ đầu năm đến nay.
AI Capital bắt đầu giải ngân qua quỹ đối tác ở nước ngoài là ASEAN Investment Managament (AIM) - công ty quản lý quỹ số một châu Á (ngoài Nhật Bản) trong tháng 2 - 3/2012. Với một danh mục đầu tư gồm 60 - 62% cổ phiếu tại thị trường Việt Nam, AIM đã đạt được lợi suất trên 47%, từ đầu năm đến nay.

Theo AI Capital, hầu hết DN đều không có sự khảo sát thực tế từ các nhà phân tích tài chính hay các nhà quản lý quỹ, dẫn đến việc đánh giá sai giá trị của cổ phiếu.

Bên cạnh đó, rất nhiều công ty đạt tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong 3 năm đáng kinh ngạc, do đó, tăng trưởng thu nhập cho NĐT hứa hẹn sẽ nổi trội hơn so với thị trường. Ngoài ra, thông tin từ các cuộc họp ĐHCĐ gần đây chỉ ra tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của các DN trong vài năm tới, khi chính sách tiền tệ đi vào ổn định

AI Capital mong đợi và theo dõi 3 sự kiện có khả năng diễn ra trong 3 năm, tính từ tháng 11/2011, gồm: Đồng Việt Nam sẽ tăng giá (so với USD) khoảng 20%; TTCK Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 100% so với các thị trường khu vực ASEAN và lãi suất cho vay sẽ giảm 1.000 điểm (10%) cơ bản so với đỉnh điểm năm 2011. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho thu nhập thị trường tăng tới 65%.

Đối với ngành môi giới chứng khoán, giá trị giao dịch hàng ngày đã cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, ngành thủy sản cho thấy sự phát triển mạnh mẽ và lợi thế giá cả khi đồng nội tệ bị đánh giá thấp.

Đối với lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị, xây dựng, nguồn “hàng tồn đọng” bắt đầu được giải phóng, do giá cả giảm mạnh khi lượng cầu ổn định nhờ điều tiết tiền tệ. Ngành vật liệu xây dựng và hàng hóa bền cũng có tình hình tương đối ổn định, với lượng cầu nội địa cải thiện đáng kể nhờ sự phát triển của tầng lớp trung lưu.

Với các công ty than, giá than có đặc tính ổn định do nhu cầu về điện là thiết yếu. Trong khi đó, hệ số P/E bằng 2 - 3 lần và cổ tức 12 - 16%/năm cho thấy nhóm DN này bị đánh giá thấp tới 75% so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Đối với các công ty sản xuất xi măng, lượng cầu trong tương lai cho việc cơ cấu cơ sở hạ tầng sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhóm DN này. P/E bằng 2 - 3 lần và cổ tức 15 - 25%/năm cho thấy, nhóm DN này bị đánh giá thấp tới 80% so với các công ty cùng ngành trong khu vực.

Đối với NĐT khao khát nắm bắt xu hướng tăng giá đáng kể của thị trường ngay từ ban đầu, một phương thức tiếp cận đa dạng có lẽ là phương án hiệu quả nhất để lướt đợt sóng Beta đầu tiên. Danh mục gồm 25 - 38 cổ phiếu được phân bổ trên một số lĩnh vực đầu tư dưới đây có thể đảm bảo cho các NĐT nắm bắt những động thái của thị trường nhanh chóng nhất (từ tháng 11/2011):

Lĩnh vực có chỉ số Beta cao như môi giới, ngân hàng, bất động sản, xây dựng; Lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất như xây dựng, bất động sản, tài chính.

Lĩnh vực giá trị cực độ (extreme value - phân bổ trên nhiều lĩnh vực). Quan niệm cổ điển của các NĐT nước ngoài về “ba vương miện” đối với một cổ phiếu đó là giá trị thật, tốc độ tăng trưởng mạnh và tỷ suất cổ tức cao, giờ đây có thể tìm thấy tại nhiều lĩnh vực trên thị trường Việt Nam. NĐT có thể hy vọng về một trật tự mới dành cho cổ phiếu của lĩnh vực này, cũng như đạt được tỷ suất lợi nhuận 300 - 600% trong 36 tháng. Đối với hai lĩnh vực khác nêu trên, nếu NĐT có sự sàng lọc cẩn trọng, tỷ suất lợi nhuận 200 - 600% trong 36 tháng là có thể đạt được. Ngoài ra, việc thu gom trái phiếu với lợi suất trên 20% cũng là một bước đi thức thời, hiệu quả.

Nhìn lại diễn biến của thị trường từ tháng 11/2011, sau 5 tháng, chúng ta đang nhìn thấy VN-Index đạt gần 490 điểm. Mức điểm này được coi là không khả thi khi nhìn nhận tại thời điểm tháng 9/2011. Sự mong đợi VN-Index 600 điểm giờ đây có lẽ không khiến NĐT quá bất ngờ. Các NĐT trong nước cần giữ vững niềm tin và có một tầm nhìn rộng mở để đón nhận sự lột xác của thị trường trong 2 - 3 năm tới.

Nguồn Đầu tư Chứng khoán


Sự kiện