Chủ kho nhôm khổng lồ Trung Quốc ở Vũng Tàu xin hỗ trợ
Theo đó, văn bản của Công ty Nhôm Toàn cầu VN do ông Jacky Cheung, Tổng giám đốc ký được gửi đến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương, Tài chính, KH&ĐT, Tổng cục Hải quan, Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85).
Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu cho biết doanh nghiệp này có địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là dự án nhà máy sản xuất nhôm định hình với công suất 200.000 tấn/năm.
Hiện nhà máy gồm 4 phân xưởng chính: xưởng đúc, xưởng ép, xưởng sơn và xưởng xi mạ trên tổng diện tích 63 ha, được trang bị đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Bộ Tài chính, KH&ĐT, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành kiểm tra doanh nghiệp trong tháng 5-2017 nhằm làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cho biết vào ngày 28-12-2016, đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan đã đến công ty để làm việc, thu thập thông tin, tài liệu liên quan nhằm làm rõ thông tin vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào VN. Việc kiểm tra này hiện vẫn được thực hiện.
Tiếp đến ngày 18-4, doanh nghiệp đã nhận được văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu do Cục An ninh Kinh tế Tổng hợp (A85) ban hành.
Lãnh đạo Công ty Nhôm Toàn Cầu VN cho rằng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, việc liên tục phải tiếp đón và chuẩn bị rất nhiều hồ sơ cho các đoàn kiểm tra đến làm việc như vậy gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kho để nhôm sát bên Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: TRÙNG KHÁNH
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh trùng lặp trong việc kiểm tra, công ty đề nghị Phó Thủ tướng xem xét hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp tục làm việc với đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan và sử dụng kết luận do đoàn kiểm tra của Tổng cục Hải quan làm căn cứ đánh giá thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Công ty chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm tra để sớm có kết quả và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu có sai phạm” - văn bản của Công ty Nhôm Toàn cầu VN nêu rõ.
Trước đó, theo điều tra của Wall Street Journal, đứng sau dự án trên là China Zhongwang - tập đoàn lớn chuyên về nhôm của Trung Quốc thuộc sự quản lý của tỉ phú Liu Zhongtian. Tỉ phú này có tài sản gần 3 tỉ USD, theo Forbes.
Điều tra của hồi cuối năm 2016 của tờ báo này cho thấy hàng loạt động thái bất thường trong xuất nhập khẩu nhôm giữa Trung Quốc, Mỹ, Mexico và Việt Nam đều có liên hệ tới tỉ phú người Trung Quốc này.
Cụ thể, sau khi bị Mỹ đánh thuế bán phá giá, công ty của Liu Zhongtian và nhiều nhà xuất khẩu nhôm Trung Quốc đã tìm cách thành lập các pháp nhân bí mật tại những nước như Mexico hay Việt Nam để xuất khẩu hàng của mình vào Mỹ. So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ phải chịu thuế 5%.
Tại Công ty Nhôm Toàn Cầu Việt Nam ở Vũng Tàu, Wall Street Journal cũng phát hiện những kho hàng khổng lồ được phủ bạt đen, canh giữ bởi nhân viên an ninh tuần tra bằng xe máy, mang theo dùi cui... Lượng hàng lớn bất thường này được cho là chuyển từ Mexico sang và gây lo ngại về những ảnh hưởng tới thị trường và giá nhôm thế giới.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia đặt nghi vấn về việc VN có thể bị lợi dụng trong việc cấp nguồn gốc xuất xứ (C/O) để xuất sang nước thứ ba nhằm tận dụng lợi thế về thuế đối với sản phẩm nhôm. Lý do là xuất khẩu phôi nhôm từ TQ vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá tới 374% trong khi mức thuế cho mặt hàng này có xuất xứ từ VN chỉ vào khoảng 5%.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra làm rõ mô hình kinh doanh của Công ty Nhôm Toàn cầu VN. Bởi việc nghi ngờ công ty trên lập kho nhôm lớn ở VN bắt nguồn từ mục đích lách thuế là có cơ sở. “Doanh nghiệp nhôm TQ đã được báo chí nước ngoài nhắc đến nhiều với những hoạt động kinh doanh bất thường” - ông Sưa nói.
Theo ông Sưa, có thể doanh nghiệp TQ đặt kho hàng ở VN là để núp bóng hình thức “tạm nhập tái xuất” nhằm hưởng chênh lệch thuế từ nước sở tại. Ông Sưa nhấn mạnh: “Nếu kho nhôm ở Vũng Tàu có dấu hiệu lách thuế là việc vô cùng nguy hiểm. Chiêu bài chuyển địa điểm để tìm C/O mới đã được nhiều nước phát hiện và họ đã có biện pháp phòng trừ. Đây được xem như một dạng gian lận thương mại”.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng cần phải hết sức cảnh giác việc lợi dụng nguồn gốc xuất xứ từ nước ta để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang nước thứ ba. Đặc biệt là phải làm rõ lượng lớn nhôm đang nằm kho ngoại quan của Công ty Toàn cầu VN sử dụng vào mục đích gì. Bởi rất khó hiểu khi chưa xây dựng xong nhà máy mà đã nhập sẵn một lượng nguyên liệu lớn về kho ngoại quan.
TS Nguyễn Thành Sơn, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan (Vinacomin), nêu quan điểm: “Tôi cho rằng bản chất của việc xây dựng kho nhôm này có thể nhằm đón lõng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để núp bóng xuất khẩu qua Mỹ và các nước khác hưởng thuế ưu đãi”.
Cũng theo ông Sơn, các cơ quan chức năng đang trong quá trình lập đoàn kiểm tra, tiến tới xác minh, làm rõ nên chưa thể khẳng định được điều gì. Tuy nhiên, với những cảnh báo từ một số phương tiện truyền thông nước ngoài, nhà chức trách VN cần vào cuộc sớm để xem hoạt động của doanh nghiệp trên có đúng như đăng ký, khai báo hay không. Nếu phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu gian lận thương mại thì cần có biện pháp xử lý nghiêm.
Nguồn Pháp luật TPHCM