Dầu Tường An đã chủ động khai thác và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Ảnh:TAC.
Chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh,Tường An tăng 154% lợi nhuận tháng 1
Hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận
Nhìn lại năm 2020, vị Tổng giám đốc Công ty đầu thực vật Tường An, ông Bùi Thanh Tùng, cho biết: Nền kinh tế thị trường chịu tác động bởi dịch COVID-19, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, ảnh hưởng đến thu nhập và thói quen tiêu dùng của người dân. Giá nguyên liệu dầu thực vật thế giới biến động tăng, giảm bất thường cũng đã ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp dầu ăn.
Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo công ty Dầu Tường An đã đưa ra các biện pháp nhằm khắc phục những khó khăn do dịch COVID-19 bằng cách chủ động khai thác và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Cụ thể, công ty tiến hành dịch chuyển bán hàng phù hợp với nhu cầu mua hàng tại nhà hoặc gần nhà, chuyển dịch danh mục sản phẩm…, tập trung phát triển các sản phẩm trung và cao cấp, cốt lõi, có lợi nhuận cao, thực hiện bán hàng trực tuyến cùng các hoạt động đẩy mạnh tương tác người tiêu dùng trên nền tảng Digital Marketing.
Năm 2020, Tường An đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: TAC. |
Bên cạnh đó, Tường An cũng đã chủ động dự báo và dự trữ về nguồn nguyên liệu, đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, gia tăng tồn kho tại các kho trung tâm, kho NPP,…đảm bảo hàng hóa phục vụ thị trường trong nước, đặc biệt là các giai đoạn cao điểm của dịch, đảm bảo ổn định nguồn cung và an toàn lương thực cho người dân.
Theo đó, năm 2020, Tường An đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi đạt doanh thu cao nhất từ trước đến nay với doanh thu thuần Tường An đạt 5.247 tỉ đồng, tăng 26,67% so với năm 2019, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 762 tỉ đồng, tăng 15,22% so với năm 2019.
Với những định hướng và chiến lược cụ thể, tháng 1.2021 Tường An đã ghi nhận kết quả tích cực khi doanh thu thuần đạt 864 tỉ đồng, tăng 161,78% so với cùng kỳ năm 2020 và lợi nhuận trước thuế đạt 66 tỉ đồng, tăng 153,77% so với cùng kỳ năm 2020.
Phát hành gần 17 triệu cổ phiếu ra công chúng
Tại đại hội, HĐQT đã trình và được cổ đông thông qua phương án phát hành 16,9 triệu cổ phiếu và giá 40.000 đồng/cp. Cùng với đó, trong năm Tường An cũng thực hiện phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 1,7 triệu đơn vị, giá 15.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành khoảng 703 tỉ đồng, bao gồm chào bán ra công chúng 677,5 tỉ đồng và chào bán cho cán bộ nhân viên 25,4 tỉ đồng.
Theo ông Tùng, doanh nghiệp sử dụng nguồn tiền thu được để đầu tư, mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ. Dự án hiện có công suất 250.000 tấn/năm, cung ứng gần 200.000 tấn dầu/năm. Đơn vị sẽ nâng công suất nhà máy tinh luyện và đầu tư một số hạng mục máy móc thiết bị, mở rộng kho, bồn chứa với số tiền 450 tỉ đồng.
Tường An sử dụng nguồn tiền thu được để đầu tư, mở rộng nhà máy dầu Phú Mỹ. |
Ảnh: TAC. |
Đồng thời, Dầu Tường An đầu tư 200 tỉ để mở rộng diện tích xây dựng nhà máy Vinh từ 8.800 m2 lên 17.000 m2, nâng công suất từ 40.000 tấn/năm lên 150.000 tấn/năm nhằm tiết giảm chi phí sản xuất và logistics, đồng thời gia tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường miền Bắc và miền Trung. Nhà máy được Tường An mua lại cách đây 20 năm với mục tiêu mở rộng thị trường miền Bắc, gia tăng công suất sản xuất. Phần tiền còn lại để bổ sung vốn lưu động.
Ngoài ra, đại hội đã bầu bổ sung ông Bùi Thanh Tùng vào HĐQT nhiệm kỳ còn lại 2017-2022 thay cho bà Nguyễn Thị Hạnh. Ông Tùng tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Kinh tế và hoàn thành khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo cấp cao của trường Đại học UCLA Anderson (Los Angeles, Mỹ). Hiện, ông là Phó Tổng giám đốc tập đoàn, Tổng giám đốc Kido Nhà Bè, Phó Tổng giám đốc điều hành tại Vocarimex và Tổng giám đốc Dầu thực vật Tường An.
►Tường An thông qua chia cổ tức đặc biệt 75% và chuẩn bị đại hội bất thường cho sáp nhập