Dự án HAGL Plaza của Thaco tại Yangon. Ảnh: BM/vietnambiz.vn

 
Ngọc Minh Thứ Tư | 17/03/2021 07:30

Chông chênh ở đất hứa Myanmar

Chính biến tại Myanmar có thể khiến dòng vốn đầu tư vào đây chảy sang các nước khác.

Cuộc đảo chính quân sự khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối, gây rủi ro cho hàng tỉ USD đang nằm trong các dự án đầu tư tại Myanmar.

10 năm trước, Myanmar mở cửa là một sự kiện chấn động đối với thế giới trong nỗ lực khai phá “quốc gia bí ẩn” còn lại của Đông Nam Á. Năm 2015, ngay khi Mỹ bắt đầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đầu tiên đã khởi đầu cho làn sóng đầu tư ồ ạt đổ vào Myanmar, trong đó có những thương hiệu toàn cầu như Coca-Cola, MasterCard, Ford Motor Co, H&M, Adidas...

 

Myanmar được mệnh danh là “mỏ vàng” còn sót lại của khu vực cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng với tiềm năng tăng trưởng kinh tế - trung bình hơn 7%/năm. Tuy nhiên, vị thế quốc tế và sự hấp dẫn của đất nước này phần nào bị giảm sút sau cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya (năm 2017), khiến làn sóng đầu tư nước ngoài chùn bước.

Các công ty nước ngoài đã đầu tư vào Myanmar với hy vọng quân đội kết thúc cầm quyền sẽ mở ra nhiều cơ hội làm ăn, nhưng giờ đây có thể bị buộc phải xem xét lại các chiến lược của họ ở quốc gia này khi căng thẳng của cuộc đảo chính chưa dừng lại.

Trước cuộc đảo chính, Fitch Solutions dự đoán Myanmar sẽ đạt mức tăng trưởng 6% vào năm tài khóa tiếp theo. Nhưng giờ đây, con số này chỉ còn một nửa. Những số liệu gần đây nhất từ World Bank cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2% trong năm tài khóa này, trong khi tỉ lệ nghèo đói được dự báo tăng từ 22,4% vào cuối năm 2019 lên 27%.

Theo DealStreetAsia, những quỹ tập trung duy nhất vào thị trường Myanmar đang giữ quan điểm "chờ", trong khi những quỹ có hiện diện địa lý lớn hơn đang tính chuyển tiền sang những điểm đến khác như Campuchia hay Việt Nam. "Một khi các đường biên giới mở cửa trở lại sau đại dịch, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại Việt Nam", ông Field Pickering, Trưởng Bộ phận đầu tư mạo hiểm thuộc Vulpes Investment Management, cho biết.

Nhà quản lý quỹ Dave Richards thuộc Capria Ventures nhận định: "Các quốc gia khác trong khu vực sẽ hưởng lợi" từ sự bất ổn của thị trường Myanmar. Năm ngoái, Capria có kế hoạch đầu tư 8 triệu USD vào một số quốc gia, tập trung vào Myanmar và Nepal. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị dừng và Capria dự kiến sẽ có thương vụ đầu tư đầu tiên ở Việt Nam trong năm nay, đồng thời tìm kiếm thêm cơ hội ở Campuchia, Bangladesh và Nepal.

 

Trong năm đầu tiên Myanmar trở lại với thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã thu về kỷ lục 9,4 tỉ USD. Tuy nhiên, con số này chỉ còn 5,5 tỉ USD, ghi nhận vào ngày 30.9.2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, được dự báo tiếp tục sụt giảm nếu các cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn còn tiếp diễn.

Tình hình tại Myanmar cũng khiến dòng vốn từ Việt Nam đổ vào thị trường này cũng gặp khó khăn. Trong những năm gần đây, Myanmar được đánh giá là thị trường tiềm năng, với vai trò ngày càng quan trọng trong hợp tác đầu tư và phát triển thương mại của Việt Nam. Theo Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Lý Quốc Tuấn, số vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar trong năm tài khóa 2020 là 2,2 tỉ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào thị trường này. Trong hơn 200 doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar có các doanh nghiệp lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Vietnam Airlines, Viettel, BIDV và SHB.

Không ít doanh nghiệp Việt Nam từng gặp nhiều thuận lợi khi đầu tư vào Myanmar. Chẳng hạn, theo Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú, chi nhánh BIDV Yangon chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, là ngân hàng Việt Nam đầu tiên cung cấp đa dạng các sản phẩm ngân hàng cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar. “Thông thường một chi nhánh mở ở nước ngoài phải 5 năm mới có lãi, nhưng BIDV tại đây gần 3 năm đã bắt đầu có lãi rồi. Đến nay Ngân hàng đã lãi 1 triệu USD”, ông Tú nói.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đầu tư vào Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư Khu phức hợp Myanmar Plaza trị giá 440 triệu USD. Tập đoàn này cũng đang phối hợp với Thaco Trường Hải xây dựng giai đoạn 2 dự án phức hợp Myanmar Center với tổng mức đầu tư 711 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. 

Ảnh: Getty
Cuộc đảo chính quân sự khiến các nhà đầu tư nước ngoài bối rối, gây rủi ro cho hàng tỉ USD đang nằm trong các dự án đầu tư tại Myanmar. Ảnh: Getty.

Sau 2 năm chính thức kinh doanh, Mytel, thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Myanmar, cũng đã vượt mốc 10 triệu thuê bao, vươn lên vị trí thứ 2 và gấp 2,5 lần nhà mạng đứng thứ 4 tại Myanmar.Vì vậy, dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Myanmar đang tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường non trẻ này.

VNG đưa ứng dụng Zalo vào Myanmar khá sớm và nhanh chóng đạt 2 triệu người dùng. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, cho biết: "Với 52 triệu dân và 18 triệu thuê bao 3G cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh và xã hội có những điểm gần với Việt Nam, Myanmar đang là thị trường tiềm năng để Zalo hướng đến người dùng và phát triển tại đây".

Tuy nhiên, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh tại Myanmar lo ngại các lệnh trừng phạt từ phương Tây sẽ sớm diễn ra, ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư. Bên cạnh vấn đề bất ổn do đảo chính, giới quan sát cũng lo ngại về khả năng quản trị của quốc gia này.

"Có những điểm thực sự không liên quan đến quân đội. Mà là Myanmar thiếu khả năng quản trị, chuyên môn và nguồn tài chính cần thiết để thực hiện những thay đổi một cách hiệu quả", Bryan Tse, nhà phân tích thị trường khu vực châu Á tại EIU, nhận định. Myanmar bị nhiều doanh nghiệp phàn nàn vì chậm cải tổ, đặc biệt trong việc mở cửa các ngành chủ chốt và cải thiện thủ tục hành chính, quy định