Cholimex có "rể mới"?
Hội đồng quản trị của Công ty Transimex Sài Gòn (TMS) vừa thông qua kế hoạch đầu tư vào Cholimex. Nếu không có gì thay đổi, TMS sẽ chi hơn 300 tỉ đồng để sở hữu cổ phần, tương đương khoảng 35% vốn điều lệ tại Cholimex. Nếu giao dịch diễn ra và thành công, TMS sẽ là cổ đông lớn thứ 2 tại Cholimex, sau Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HIFC). Tính ra, lượng cổ phần mà TMS dự kiến mua ở Cholimex xấp xỉ với lượng cổ phần mà Cholimex sẽ bán cho cổ đông chiến lược, cộng thêm số cổ phần dư ra trong đợt IPO vừa qua.
Cholimex có gì hấp dẫn?
Cholimex vốn là công ty nhà nước, trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP.HCM. Đây là doanh nghiệp có lịch sử hơn 30 năm, hoạt động trong mảng xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, phân phối hàng tiêu dùng, sản xuất thực phẩm, quản lý phát triển bất động sản và các khu công nghiệp. Trong đó, lĩnh vực phát triển khu công nghiệp đóng góp đến 50% doanh thu Cholimex.
Cholimex có 12 công ty con và liên kết. Trong đó, 3 đơn vị làm ăn hiệu quả và đóng góp đáng kể cho Cholimex là Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (công ty con), Cholimex Food (Cholimex nắm 40,7% vốn) và Tanimex (Cholimex nắm 19,23% vốn). Tanimex đã lên sàn chứng khoán còn Cholimex Food cũng được cổ phần hóa từ năm 2007.
Tuy Cholimex có lợi thế lớn trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp nhờ quỹ đất rộng và rẻ (khoảng 207 ha ở Bình Chánh), mảng chế biến thực phẩm mới chính là “ngôi sao” mang lại cơ hội phát triển thương hiệu và xuất khẩu cho Công ty.
Còn nhớ, năm 2013, Cholimex bất ngờ tuyên bố chiếm 40% thị phần nước chấm, nước sốt và các loại gia vị ở phân khúc cao cấp của Việt Nam. Sang năm 2014, Tập đoàn Masan từng sẵn sàng chi ra 90.000 đồng/cổ phiếu với mong muốn nắm được 49% vốn ở Cholimex Food. Nhưng cổ đông lớn nhất ở Cholimex Food đến nay vẫn là Cholimex, còn Masan chỉ mua được khoảng 33% vốn điều lệ.
Dù có nhiều yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, Cholimex vừa qua đã có một phiên IPO không như mong đợi khi chỉ 64% lượng cổ phiếu bán ra có người mua, với giá đấu thành công bình quân bằng giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh An Trung, Phó Chủ tịch Cholimex cho biết, số lượng cổ phần không chào bán hết sẽ xin ý kiến Ban chỉ đạo cổ phần hóa xử lý. Riêng Cholimex tiếp tục chào bán cổ phần cho nội bộ và nhà đầu tư chiến lược.
Theo kế hoạch, Cholimex sẽ dành 24,92% vốn chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Tiêu chí chọn cổ đông chiến lược phải là đơn vị có lãi ròng liên tục 5 năm (2010-2014), có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần.
Lợi thế của TMS
Với các điều kiện này, TMS đủ khả năng vượt qua. Nhưng TMS lại có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn yêu cầu mà Cholimex đặt ra. TMS cũng không phải là doanh nghiệp cùng lĩnh vực công nghệ thực phẩm, chế biến lương thực thực phẩm hay phát triển hạ tầng khu công nghiệp như tiêu chí chọn lựa của Cholimex.
Dù vậy, ý định đầu tư của TMS vẫn hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Bởi sự “ế ẩm” ở phiên IPO của Cholimex có thể khiến lãnh đạo công ty này suy nghĩ lại, giảm bớt điều kiện cho cổ đông chiến lược.
Dù đạt quy mô doanh thu hơn 600 tỉ đồng, lợi nhuận của Cholimex cũng chỉ ở mức 5% doanh thu. Công ty cần đối tác chiến lược để giúp kinh doanh tốt hơn. Nhưng hỗ tài chính vẫn là mục tiêu quan trọng, bởi Cholimex đang cần vốn đầu tư một loạt dự án. Tiêu biểu như dự án cao ốc văn phòng ở đại lộ Võ Văn Kiệt (TP.HCM), ước tính cần vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng.
Về phía TMS, công ty này có lượng tiền mặt khá dồi dào với hơn 200 tỉ đồng, tính đến thời điểm 31.12.2015. Ngoài ra, TMS còn có những nguồn khác có thể chuyển đổi thành vốn đầu tư như thặng dư cổ phần (hơn 161 tỉ đồng) và lợi nhuận chưa phân phối (hơn 402 tỉ đồng), theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015. TMS cũng dự kiến sẽ phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ trong năm nay. Nguồn vốn này tùy theo nhu cầu sẽ dùng vào đầu tư, bổ sung vốn kinh doanh hoặc cơ cấu lại nợ.
Thoạt nhìn, nhiều người sẽ cho rằng TMS chỉ có mục tiêu đầu tư tài chính khi “theo đuổi” Cholimex. Bởi ngành nghề của TMS là cung ứng dịch vụ logistics và cũng chưa cho thấy kế hoạch sẽ mở rộng sang những lĩnh vực mà Cholimex đang hoạt động. Nhưng khẩu vị đầu tư trái ngành này không lạ với TMS. Trong quá khứ, TMS từng tham gia đầu tư vào nhiều doanh nghiệp như Chiếu xạ An Phú, Cao su Phước Hòa hay Sacombank.
Dù vậy, trường hợp của Cholimex lại có phần khác biệt. Bởi lần này TMS dự kiến đầu tư vốn lớn, hơn 300 tỉ đồng. Cholimex lại là một công ty chỉ vừa mới IPO và chắc chắn sẽ bị hạn chế về quyền chuyển nhượng cổ phần trong thời gian 5 năm. Nếu không vì mục tiêu dài hạn và mang tầm chiến lược, TMS chắc chắn khó có động lực thực hiện thương vụ này. Quỹ đất của Cholimex có thể là điều TMS nhắm tới.
Trong chuỗi giá trị của ngành logistics mà TMS đang hoạt động, công ty có thể triển khai gói hợp đồng vận tải đa phương thức với mức cước cạnh tranh. Nhưng để làm được điều này, họ phải xây dựng nhiều cảng thông quan nội địa (ICD). Trong đó, mô hình trung tâm phân phối (DC) là bước phát triển tiên tiến, đều được các công ty logistics ưu tiên mở thêm. Ðặc điểm của các DC là phải được đặt gần các khu công nghiệp lớn, xây trên diện tích rộng.
Việc đầu tư vào Cholimex, vốn có lợi thế quỹ đất và lại đang khai thác Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, hứa hẹn sẽ giúp TMS mở thêm DC sau này. Cái bắt tay giữa TMS và Cholimex, nếu xảy ra, sẽ có lợi cho cả đôi bên ở phương diện khai thác hiệu quả quỹ đất. Nhiều khả năng, Cholimex sẽ tán đồng để TMS trở thành cổ đông lớn thứ 2.
Viết Nguyên