Chơi với Ngoại hạng Anh: Đại gia Việt học làm sang
Hai chữ “Việt Nam” lại có dịp xuất hiện tại giải ngoại hạng Anh khi tại trận đấu vòng 3 giữa West Bromwich và Chelsea mới đây, khi dòng chữ “Ton Dong A - made in Vietnam” của doanh nghiệp Tôn Đông Á bất ngờ xuất hiện trên bảng quảng cáo chạy quanh sân vận động trong khoảng 2 phút.
Tôn Đông Á không phải là trường hợp duy nhất “chơi” với giải Ngoại hạng Anh. Năm 2007, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Ðoàn Nguyên Đức thậm chí còn chơi trội hơn khi quảng bá dòng chữ “HOANG ANH GIA LAI VIET NAM” ngay trên sân nhà của câu lạc bộ nổi tiếng Arsenal suốt cả mùa giải.
Cách quảng bá khi ăn theo Ngoại hạng Anh, giải bóng đá nổi tiếng và thu hút khán giả hàng đầu thế giới, có thể xem là một cách làm khả khi và hiệu quả. Bởi trong thời gian ngắn, hình ảnh của doanh nghiệp có cơ may lọt vào sự chú ý của hàng ngàn đến hàng chục triệu người xem trên toàn cầu, bao gồm cả các đối tác tiềm năng.
Một số chuyên gia marketing đã dành những lời có cánh cho cách làm này. Ví dụ, theo chuyên gia Phạm Việt Anh, giải Ngoại hạng Anh có khá nhiều hình thức quảng cáo với chi phí từ cao tới thấp. Tùy vào mục tiêu, đối tượng khách hàng muốn nhắm tới, cũng như khả năng tài chính mà doanh nghiệp có thể chọn cách xuất hiện tương ứng. Đối với công ty mong muốn hình ảnh của mình được nhận biết rộng khắp thế giới, việc chọn phủ sóng ở toàn cầu là điều đáng khích lệ.
Việc quyết bơi ra biển lớn, quảng bá ra cả thế giới thông qua liên kết với các giải vô địch bóng đá nổi tiếng thực sự là quan điểm mới, chuyên nghiệp và có tầm nhìn hơn của các ông chủ Việt. Không dừng lại ở đó, một số tập đoàn lớn của Việt Nam cũng mạnh dạn tự mình đưa các câu lạc bộ nổi tiếng châu Âu sang du đấu tại Việt Nam nhằm tạo sức hút lớn hơn.
Năm 2013, Hoàng Anh Gia lai và Ngân hàng Eximbank cùng tổ chức đưa các ngôi sao của Arsenal sang Việt Nam du đấu. Sự kiện này còn đình đám hơn trên truyền thông trong nước và thế giới khi xảy ra hiện tượng “Running Man” - một fan vì quá đam mê đội bóng đã cố gắng chạy bộ theo xe buýt chở Arsenal tại Hà nội.
Bắt chước bầu Đức, mới đây bầu Ðỗ Quang Hiển, lãnh đạo Tập đoàn T&T và Ngân hàng SHB, cũng đưa được đương kim á quân Ngoại hạng Anh là Manchester City sang Việt Nam giao hữu. Sự kiện này ít nhiều giúp lan tỏa hình ảnh của các doanh nghiệp của bầu Hiển đến khán giả rộng lớn hơn. Đó còn là trường hợp của Ngân hàng BIDV khi kết thân với câu lạc bộ có nhiều fan nhất Việt Nam hiện nay là Manchester United để phát hành thẻ đồng thương hiệu vào năm 2013.
Cũng cần nói một chút về hành động quảng bá của Tôn Đông Á. Doanh nghiệp này phát triển khá nhanh trong các năm gần đây, với doanh thu thuần năm 2013 được ghi nhận ở mức trên 3.000 tỉ đồng. Việc khánh thành nhà máy sản xuất tôn (giai đoạn 1) cuối năm ngoái với chi phí lên tới 150 triệu USD cũng nằm trong chiến lược vươn ra biển lớn của Công ty trong các năm tới.
Theo chiến lược đó, bên cạnh thị trường nội địa đang cạnh tranh khốc liệt, việc xuất khẩu không những sang các quốc gia châu Á mà còn ở các thị trường khó tính như châu Âu và Mỹ là mong muốn của Chủ tịch Tôn Ðông Á Nguyễn Thanh Trung. Cách tiếp cận với khách hàng thông qua giải Ngoại hạng Anh của Tôn Đông Á bước đầu có thể xem là phù hợp và khá sáng tạo.
Nhưng hiệu quả thực tế của việc liên kết với giải Ngoại hạng Anh sẽ đến đâu? Hầu hết các kết quả đều rất khó đo đếm chính xác, dù thước đo khả năng tăng trưởng của doanh thu được xem là phù hợp nhất. Nhưng kể từ khi Hoàng Anh Gia Lai quảng bá trên sân Emirates của Arsenal, doanh thu của tập đoàn này cũng không cải thiện được là bao.
Thế còn chi phí thì sao? Chi phí quảng bá lần này được Tôn Đông Á bật mí là khoảng 2 tỉ đồng cho tổng cộng 10 trận, một mức giá khá rẻ. Tuy nhiên, đây có lẽ là giá quảng cáo trên sân của các lâu bộ còn ít tên tuổi như West Bromwich. Còn chi phí để được “sang” như bầu Đức khi xuất hiện trên sân vận động Emirates của Arsenal chắc chắn phải đắt đỏ hơn rất nhiều.
Theo tiết lộ trước đây của bầu Đức, đắt là một lẽ, nhưng không phải ai cũng có thể ký được hợp đồng này. Chỉ có các tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu toàn cầu mới cạnh tranh được suất quảng cáo ở những câu lạc bộ danh tiếng. Thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai có thể đặt thương hiệu quảng cáo trên sân Emirates là nhờ vào mối quan hệ đặc biệt thông qua Học viện bóng đá Arsenal-JMG.
Đối với bầu Hiển, trong thương vụ đưa Manchester City đến Việt Nam mới đây, số tiền mà ông chịu lỗ được công bố khoảng 10 tỉ đồng, một con số không nhỏ. Hoàng Anh Gia Lai cũng từng chi ra gần 50 tỉ đồng để đưa được Arsenal sang thăm Việt Nam.
Có thể với các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, T&T hay Tôn Đông Á, với doanh thu hàng ngàn tỉ đồng thì con số chi phí nói trên là không đáng kể. Nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn, họ sẽ phải suy nghĩ lại.
Rủi ro của cách quảng bá này còn nằm ở một số yếu tố khác. Vì chỉ chiếm thời lượng khiêm tốn khi chạy trên các bảng quảng cáo vòng quanh sân, nên khi mẫu quảng cáo của doanh nghiệp rơi đúng vào thời điểm trận đấu lên cao trào thì sẽ khó thu hút được sự quan tâm của khán giả, do họ sẽ chăm chú vào diễn biến trên sân hơn là thảnh thơi xem quảng cáo.
Ngoài ra, số lượng fan của các câu lạc bộ cũng có thể bị thổi phòng khiến chi phí marketing bỏ ra không tương xứng với hiệu quả mang lại. Các đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp nhắm cũng có thể sai lệch, khi hầu hết những người theo dõi bóng đá là giới trẻ. Trong số hàng chục ngàn khán giả trên các khán đài, tỉ lệ chủ doanh nghiệp có thể trở thành đối tác tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt sẽ là bao nhiêu?
Ngọc Sơn