Cho vay tái canh cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên
Thủ tướng Chính phủ đồng ý nội dung phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai phương án trên, bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng và phát triển cây cà phê bền vững.
Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Công Thương và UBND các tỉnh Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai hiệu quả Đề án tái canh cà phê các tỉnh khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 – 2020 và phương án cho vay trên, hỗ trợ người trồng tái canh cà phê về quy trình kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đồng thời chủ động xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai việc cho vay tái canh cà phê, bảo đảm việc tiếp cận vốn vay của người trồng tái canh cà phê dễ dàng, thuận lợi.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền về phương án cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên để doanh nghiệp, người trồng cà phê biết và tiếp cận được vốn tín dụng cho vay tái canh cà phê.
Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước ta có 22 tỉnh, thành và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
Tổng diện tích trồng cà phê của 5 vùng kể trên đến cuối năm 2014 khoảng 641.000 ha. Trong đó có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi, chiếm 15% và khoảng 140.000 ha từ 15-20 năm tuổi, chiếm 25%. Ngoài ra, một chỉ số đang lưu ý là hiện cả nước có khoảng 140.000-160.000 ha cà phê già cỗi cần phải trồng thay chế và chuyển đổi trong vòng 45 năm tới.
Theo Bộ NN&PTNT, từ năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê hàng năm của nước ta đạt trên 3 tỷ USD. Cà phê là nguồn thu nhập chủ yếu của trên 500.000 hộ gia đình trồng cà phê với hơn 1,6 triệu lao động, trong đó có số lượng lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Cà phê cũng góp phần quan trọng vào việc ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên và một số địa phương khác trong cả nước.
Nguồn Chinhphu.vn