Cho vay ngang hàng có thể được hoạt động như loại hình kinh doanh có điều kiện
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng, tại họp báo hôm 1.4, cho biết: “Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Chính phủ đề xuất cho thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) như một hoạt động kinh doanh có điều kiện”.
“Pháp luật hiện hành chưa giao cho một cơ quan nào quản lý phần công việc này”, bà Hồng nói giữa lúc cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và sự bùng nổ của fintech đã xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm, P2P Lending có những điểm thuận lợi đối với người đi vay và cho vay là nhanh, nhưng cũng có những mặt không thuận lợi, thậm chí là tiêu cực, có thể gây hệ lụy đối với những người tham gia do chưa có cơ chế kiểm soát.
Đến nay, nước ta chưa có cơ chế chính sách nên thực hiện thí điểm là phù hợp. Sau khi thực hiện thí điểm, chúng ta sẽ có những tổng kết, đánh giá để có những đề xuất mới lên Chính phủ.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam ghi nhận, khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết những người này không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, nhưng có nhu cầu rất lớn về vay mượn.
Nền tảng cho vay ngang hàng giúp số đông người dân chưa, hoặc không có khả năng tiếp cận vốn trong hệ thống ngân hàng, nhưng có nhu cầu mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, như ở Mỹ hay Anh, mô hình này vận hành dưới dạng nhà đầu tư sẽ rót tiền đầu tư vào công ty, sau đó công ty này lấy tiền cho vay, thường là khoản vay thế chấp mua tài sản, hoặc những khoản vay có quy mô nhỏ đến doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp.
Nhưng với mô hình của Trung Quốc, nơi ngành công nghiệp cho vay P2P có trị giá lên đến 192 tỉ USD lại đang chao đảo do nhiều công ty vỡ nợ khi người đi vay mất khả năng thanh toán, người cho vay ồ ạt rút tiền.