Thứ Ba | 03/06/2014 10:59

Cho vay lại ODA: Nợ công sẽ “thoát hiểm”?

“Cơ chế quản lý ODA cần phải có cái nhìn tổng thể và cho vay lại ODA là một phần không thể thiếu của quản lý nợ của địa phương”.
Đó là nhấn mạnh của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam tại buổi tọa đàm với Bộ Tài chính về việc xây dựng cơ chế cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với chính quyền địa phương vừa được tổ chức mới đây.

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, chiếm khoảng gần 30% vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ được dành để thực hiện các chương trình, dự án của địa phương dưới nhiều hình thức.

Cũng theo Thứ trưởng Trung, định hướng chiến lược vay nợ công của Việt Nam giai đoạn đến 2020 đưa ra nguyên tắc: Việc vay nước ngoài của Chính phủ trong tương lai sẽ giảm dần, tăng vay trong nước.

Do vậy, việc hỗ trợ của ngân sách Trung ương theo hình thức cấp phát vốn vay nước ngoài cho ngân sách địa phương không thể tiếp tục duy trì ở mức trước đây.

Trong khi đó, nhu cầu đầu tư của các địa phương ngày càng lớn, thậm chí nhiều địa phương còn chưa sử dụng hoặc sử dụng rất ít hạn mức vay nợ của mình.

Do đó, vẫn còn dư địa cho các địa phương huy động vốn đầu tư theo hình thức vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Từ bối cảnh thực tiễn, Bộ Tài chính nhận thấy cần có cơ chế chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực giữa các cấp ngân sách.

Theo đó, Bộ Tài chính cần thiết xây dựng khung pháp lý quy định cụ thể tiêu chí xác định đối tượng UBND cấp tỉnh cần vay lại từ ngân sách Trung ương, quy trình thẩm định năng lực trả nợ của địa phương và các yêu cầu quản lý Nhà nước về nợ của chính quyền địa phương.

Để có cơ sở đề xuất các chính sách nêu trên, Bộ Tài chính đã đề nghị WB phối hợp thực hiện một nghiên cứu thực tiễn về tình hình vay lại và nợ của chính quyền địa phương ở Việt Nam và nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế.

Bộ Tài chính dự kiến sẽ soạn thảo một Quy định mới về quản lý các hoạt động mở rộng cho vay lại nguồn vốn ODA.

Nhận định về việc này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB Việt Nam nhận định: Việt Nam cần phải quản lý vốn ODA theo hoạt động của chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động đầu tư.

"Cơ chế quản lý ODA cần phải có cái nhìn tổng thể và cho vay lại ODA là một phần không thể thiếu của quản lý nợ của địa phương", bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

Liên quan đến tỷ trọng hỗ trợ khi cho vay lại, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho rằng, đối với các dự án thuộc lĩnh vực vay lại, kiến nghị hỗ trợ một phần vốn cấp phát theo nhóm địa phương.

Cụ thể, các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung cân đối trên 70% được hỗ trợ cấp phát 100% vốn ODA và hỗ trợ cấp phát một phần vốn ưu đãi.

Các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối từ 50 - 70% được hỗ trợ cấp phát 70% vốn ODA, vay lại toàn bộ vốn ưu đãi.

Đối với các địa phương được ngân sách Trung ương bổ sung trong cân đối dưới 50% được hỗ trợ cấp phát 50% vốn ODA, vay lại toàn bộ vốn ưu đãi.

Trường hợp, các địa phương khác được hỗ trợ cấp phát 20% vốn ODA và vay lại toàn bộ vốn ưu đãi…

Mặt khác, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, cần cân nhắc về tỷ lệ cho vay lại đối với các địa phương bởi vì hiện nay chưa có chính sách vay lại tại các tỉnh nghèo.

Trong khi đó, hoạt động của ADB tại Việt Nam với mục đích tài trợ để đầu tư cho phát triển. Do vậy, ADB chỉ hỗ trợ các tỉnh nghèo để họ tận dụng được vốn vay lại, khi xác định tỷ lệ vốn vay lại không nên quá chặt chẽ, cứng nhắc.

Về phía các địa phương, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí cao với quan điểm thiết kế chính sách cho vay lại vốn ODA và vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị về điều kiện cho vay lại cần được chú ý đặc biệt là lãi suất nên giữ như mức lãi suất quy định của nhà tài trợ khi cấp tỉnh vay lại.

Trong giai đoạn đầu, Chính phủ cần có một số chính sách về hỗ trợ trả lãi vay, chính quyền cấp tỉnh trả nợ gốc.

Bên cạnh đó, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhấn mạnh, mỗi địa phương có những điều kiện khác nhau, do đó chính sách ban hành cần phù hợp để các địa phương đều có thể tiếp cận được vốn vay ODA.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc về điều kiện cho vay vốn của các địa phương, đại biểu tỉnh Quảng Ninh cũng nhấn mạnh thêm, cần bổ sung điều kiện chi tiết về sự tham gia vay vốn của các thành phần tư nhân tại địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình hợp tác công tư trong đầu tư.

Đối với vấn đề mở rộng thêm nguồn vốn vay ưu đãi cho các địa phương, đại diện của WB và các chuyên gia tư vấn đều mong muốn Bộ Tài chính và cả Chính phủ nên nhìn nhận lại vấn đề vay vốn một cách tổng thể hơn.

Không nên chỉ hạn chế trong phạm vi vốn vay ODA, cũng như nên khuyến khích các đơn vị tư nhân cùng tham gia vào hoạt động này.

Nguồn BizLive


Sự kiện