Cho vay đánh bắt xa bờ: 4 tháng mới ký được 2 hợp đồng
Mặc dù chính sách cho vay đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67 có hiệu lực từ 25/ 8/2014 nhưng đến 10/12/2014 mới có hai hợp đồng tín dụng trung dài hạn, trị giá trên 22 tỷ đồng được ký kết.
Ngân hàng dài cổ chờ xét duyệt
Ngày 9/12/2014, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Thừa Thiên - Huế ký hợp đồng tín dụng với ông Trần Huấn, ngư dân tại thị trấn Phú Lộc - Thừa Thiên Huế, trị giá 2,2 tỷ đồng, thời gian 11 năm để đóng mới tàu cá vỏ gỗ, công suất 900 CV.
Ông Trần Huấn cho biết, từ năm 2009, gia đình ông đóng một con tàu vỏ gỗ nhưng công suất chỉ 495 CV nên hiệu quả khai thác không cao. Nay được vay đóng mới chiếc tàu có công suất gấp đôi tàu cũ, là cơ hội lớn để bám biển xa và dài ngày hơn, góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt.
Sau hợp đồng mở màn của BIDV, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, sáng 10/12/2014, Agribank cũng ký hợp đồng tín dụng đối với Công ty Cổ phần Thủy sản Lý Sơn để đóng mới tàu vỏ thép hậu cần dịch vụ nghề cá; mức cho vay 95% so với giá trị cả con tàu là 21 tỷ đồng.
Hiện tại, cả tỉnh Quảng Ngãi mới chỉ có một hợp đồng nói trên được ký kết nhưng trong tháng này, sẽ ký tiếp các hợp đồng đã được tỉnh phê duyệt do nhiều ngân hàng hợp vốn cho vay; riêng Lý Sơn có 5 tàu.
Như vậy, đến thời điểm này, mới có hai hợp đồng tín dụng được ký kết, một với khách hàng cá nhân và một với khách hàng doanh nghiệp, tổng trị giá 22,15 tỷ đồng, thuộc diện vay theo Nghị định 67, dù hiệu lực nghị định này đã bắt đầu từ 25/8/2014.
Giải thích sự ì ạch này, bà Hương nêu ra hai lý do. Một là, ngư dân chưa quen với thiết kế chi tiết dự toán nên ngân hàng và chính quyền phải hướng dẫn làm đi làm lại. Hai là, khi đóng tàu mới, ngư dân phân vân vì chưa quen sử dụng tàu hiện đại, chưa kể họ cũng tiếc của vì phải bỏ phí tàu cũ.
Còn theo ông Lê Quang Mạnh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân BIDV Thừa Thiên - Huế, sự chậm trễ ký hợp đồng tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ là do ngân hàng phải chờ đợi tỉnh cấp danh sách đồng loạt. Nhưng để có danh sách này, phải trải qua quy trình xét duyệt từ cấp xã đến huyện, sau đó chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản có ý kiến đề xuất thì tỉnh mới thông qua.
“Vì thấy quá nhiều khâu nên chúng tôi chủ động làm việc với chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tìm hiểu khách hàng vay và xuống tận xã tư vấn thủ tục, chi tiết dự toán nên đến nay mới ký được hợp đồng này. Còn nếu chờ đúng trình tự thì chưa biết đến bao giờ!”, ông Mạnh nói.
Làm sao đẩy nhanh cho vay?
Đánh giá chung về những khó khăn, vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng tín dụng trung dài hạn đóng mới tàu đánh bắt xa bờ, ông Lê Trung Thành, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, có hai vấn đề lớn nổi lên.
Thứ nhất, cần phải có sự phối kết hợp chặt chẽ “bốn bên” gồm: ngư dân, hiệp hội nghề cá; các bộ ngành; chính quyền địa phương; ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm.
“Nếu không có sự phối hợp, thống nhất quan điểm, có thể dẫn đến tình trạng có khoảng cách không nhỏ giữa các tiêu chuẩn cho vay của các ngân hàng và tiêu chí xét duyệt của các cơ quan nhà nước. Điều này sẽ khiến các ngân hàng thương mại mất thêm thời gian để thẩm định lại hồ sơ vay, kéo dài thời gian đưa vốn đến với ngư dân”, ông Thành nhận xét.
Ngoài ra, khi có sự phối kết hợp và chia sẻ thông tin, các ngân hàng thương mại sẽ có điều kiện giám sát khoản vay; các công ty bảo hiểm nắm chắc được mức độ rủi ro để sớm ngăn chặn tình huống bất trắc.
Thứ hai, hiện nay, mức độ rủi ro trong ngành thủy sản luôn được các ngân hàng và công ty bảo hiểm xác định đứng đầu bảng khi xét duyệt cấp tín dụng cũng như nhận bảo hiểm.
Thế nên, rất có thể có trường hợp tỉnh đồng ý cho vay nhưng ngân hàng lại không; nhất là khi Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình thẩm định không khác nhiều so với cho vay thương mại thông thường.
Để đẩy nhanh tiến độ cho vay theo Nghị định 67, mới đây, BIDV đưa ra một số kiến nghị mà đầu tiên là giải quyết triệt để những nguyên nhân nêu trên.
Theo đó, Chính phủ cần ban hành một chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hiệp hội ngành phối hợp chặt chẽ để triển khai. Song song với đó là cơ chế thực hiện theo hướng: ngân hàng thương mại tham gia cùng địa phương từ khâu xây dựng tiêu chí, rà soát hồ sơ, thẩm định hồ sơ; bộ, địa phương, hiệp hội nghề kết hợp với ngân hàng theo dõi, giám sát khoản vay.
Đối với Ngân hàng Nhà nước: cần nghiên cứu cung cấp chính sách bảo lãnh tín dụng 100% đối với các khoản vay thuộc chương trình này; chỉ đạo ngân hàng thương mại bổ sung, hoàn chỉnh cơ chế theo dõi giám sát khoản vay riêng đối với cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá theo hướng đảm bảo quá trình sử dụng tiền vay và trả nợ của ngư dân.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước nên có cơ chế riêng về xử lý nợ xấu và nợ có nguy cơ thành nợ xấu thuộc chương trình này. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính nên hình thành quỹ quay vòng ở các khu vực mà ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý khó theo dõi giám sát khoản vay.
Nguồn VnEconomy