Chờ triển khai mua tạm trữ lúa gạo
Ngày 9-3, nông dân và thương lái tại An Giang cho hay lúa IR50404 ướt bán tại đồng chỉ còn 4.200-4.300 đồng/kg, các loại lúa hạt dài cũng giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg. So với cách đây nửa tháng, giá lúa trong nước đã giảm 500-600 đồng/kg.
“Giá lúa gạo giảm nhanh nên cánh thương lái chúng tôi cũng trở tay không kịp. Đầu vụ đã hợp đồng mua lúa của dân 4.850 đồng/kg mà giờ chỉ còn 4.300 đồng/kg nên tôi bị lỗ 60-70 triệu đồng. Chắc làm cả vụ này không gỡ lại được” - anh Bạch, thương lái lúa tại Chợ Mới, An Giang, cho hay.
Tại các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp đã có tình trạng nông dân thu hoạch xong phải phơi rồi chở về nhà hoặc bấm bụng bán với giá rẻ. Một số thương lái ở tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện nay chỉ mua lúa của nông dân nào chấp nhận giảm giá lúa so với lúc họ đặt tiền cọc. Những hộ nhận tiền cọc 4.700-5.000 đồng/kg nay phải bán với giá 4.350 đồng/kg, nhưng cũng còn cao hơn giá thị trường.
Giá lúa gạo trong nước liên tục giảm mạnh trong những ngày qua do vụ lúa đông xuân tại ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ tại nhiều địa phương khi gần một nửa trong tổng số trên 1,6 triệu ha lúa vụ này đã được thu hoạch. Tuy nhiên, do đầu ra tiếp tục gặp khó khăn nên giá xuất khẩu cũng sụt giảm. Hiện loại gạo 5% tấm của VN đang được chào bán ở mức giá 385-395 USD/tấn. Gạo VN đang chịu sự cạnh tranh rất lớn khi Thái Lan tiếp tục xả gạo tồn kho với giá rẻ. Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của VN trong hai năm qua là Trung Quốc lại đang đóng cửa biên giới càng làm tình hình thêm khó khăn.
Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), xuất khẩu gạo của VN trong tháng 2 đạt 330.500 tấn với giá trị 147 triệu USD, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay lên 637.756 tấn. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu gạo của VN giảm trên 100.000 tấn.
Trước tình hình ứ đọng lúa gạo trong dân trong khi đầu ra vẫn gặp khó, VFA cho rằng chỉ còn cách mua tạm trữ mới mong giải quyết được tình hình. Tuy nhiên theo ông Trương Thanh Phong - chủ tịch VFA, trong tuần này Chính phủ mới họp để quyết định kế hoạch mua tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân. Nhu cầu của Trung Quốc vẫn rất lớn nhưng họ đang tạm đóng cửa biên giới để ép giá gạo VN khi biết đầu ra của gạo VN đang gặp khó. “Nhất là khu vực giáp biên giới với VN họ đang thiếu gạo nên chắc chắn sẽ phải mua gạo của chúng ta” - ông Phong cho hay.
Cũng theo ông Phong, cùng với tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân và người mua Trung Quốc tăng trở lại, hi vọng tình trạng căng thẳng về đầu ra của gạo VN thời gian tới sẽ giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới thừa gạo như thời gian qua, biện pháp tạm trữ gạo cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Ông Phong đề nghị triển khai tạm trữ dài hơi hơn thay vì làm ngắn hạn như trước mới kêu gọi được doanh nghiệp tham gia. “Phải nâng thời hạn hỗ trợ lãi suất từ 3 tháng hiện tại lên 5 tháng thì doanh nghiệp mới yên tâm tạm trữ” - ông Phong nói.
Theo VFA, còn một thông tin tích cực nữa cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới là Philippines mới thông báo sẽ mở thầu mua 800.000 tấn gạo. “Đây là mức thầu kỷ lục của Philippines trong giai đoạn họ đang thu hoạch lúa chứng tỏ họ đang rất thiếu gạo” - ông Phong cho biết.
TRẦN MẠNH
Nguồn Tuoitre.vn