Ảnh: QH

 
Việt Dũng Thứ Năm | 27/06/2019 14:00

Chợ tín dụng

Chợ tín dụng giúp minh bạch hóa thông tin của người đi vay và người cho vay vì thế được chuyên gia đánh giá sẽ thúc đẩy thị trường vay nợ.

Nếu đã từng lo lắng về nợ xấu ngân hàng của mình là bao nhiêu, giờ đây mỗi người có thể tự mình kiểm tra điểm tín nhiệm cá nhân tại Cổng thông tin tín dụng, được cung cấp tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC), công bố qua các kênh website và ứng dụng di động.

CIC là trung tâm chấm điểm tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thu thập thông tin từ tổ chức tín dụng gửi lên và các nguồn khác. Ngân hàng hay công ty tài chính muốn cho vay, tất cả đều phải nhìn vào hồ sơ từ CIC. Tất nhiên mỗi bên đều có một hệ thống đánh giá tín dụng nội bộ riêng, nhưng CIC hiện là nơi tập hợp toàn bộ thông tin chung của thị trường.

Có tầm quan trọng đối với quyết định cho vay hoặc đầu tư của các định chế tài chính, nhưng kế hoạch của CIC lần này không chỉ đơn thuần là cung cấp thông tin về tình trạng nợ xấu của người dân, mà còn là tham vọng xây dựng chợ để kết nối giữa người mua và người bán.

Cho tin dung
 

Theo đại diện của CIC, chợ tín dụng chỉ là đơn vị trung gian, không thu phí và không hoạt động vì lợi nhuận. Nhìn từ góc độ này, cổng thông tin của CIC có thể trở thành một kênh phân phối của ngân hàng. Hãy hình dung, các cá nhân không chỉ vào để tra cứu điểm tín nhiệm của bản thân, mà cũng có thể báo rằng: “Tôi cần vay”. Lập tức các ngân hàng sẽ bày biện sản phẩm cho người mua chọn. Nhưng điểm tín dụng mỗi người là khác nhau, vì vậy mỗi ngân hàng cũng có quyền chọn cho vay theo khẩu vị rủi ro của mình.

Trên thực tế, việc đánh giá rủi ro về người đi vay có sự bất cân xứng về mặt thông tin, nghĩa là chỉ có người đi vay mới thực sự biết rõ về khả năng trả nợ của mình. Vì rủi ro, các tổ chức tín dụng có quyền từ chối cho vay những ai mà mình không hiểu rõ, dẫn đến một bộ phận dân chúng sẽ không được tiếp cận tín dụng từ phía các tổ chức tài chính. Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Chuyên gia cao cấp Chương trình phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính IFC (thuộc nhóm World Bank), cho biết hiện chỉ số tiếp cận tín dụng ở Việt Nam là 75 điểm, ở mức tương đối so với thế giới. Mặc dù có cải thiện đáng kể so với thời gian trước đây, nhưng thống kê cho thấy có khoảng gần 38% khách hàng cá nhân trong độ tuổi lao động chưa từng được tiếp cận tín dụng, tương ứng với gần 21,3 triệu người.

Nền tảng minh bạch hóa thông tin của người đi vay và người cho vay vì thế được chuyên gia đánh giá sẽ thúc đẩy thị trường vay nợ, vì các thông tin này cho phép rủi ro được nhìn rõ hơn và cải thiện được danh mục cho vay. Còn ngân hàng cũng có thể phát triển các sản phẩm vay khác nhau dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng vay, từ đó giảm chi phí cho người vay tốt, theo chuyên gia từ IFC.

Cho tin dung
 

Trong khi đó, ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng Giám đốc CIC, cho biết điều khách hàng quan tâm không chỉ là mức độ tín nhiệm của mình, mà còn có các câu hỏi thường xuyên về sản phẩm tín dụng, như chọn tổ chức tín dụng nào, lãi suất và thời hạn vay ra sao, thủ tục có gì phức tạp. “Ở phía ngược lại, tổ chức tín dụng cũng cần biết khách hàng ở đâu có nhu cầu, mức độ tín nhiệm khách hàng có phù hợp với sản phẩm vay và liệu sản phẩm của mình có đủ sự cạnh tranh chưa”, ông Phong nói.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên chợ thuộc nhà nước ra mắt. Trước đó, hồi tháng 11, Sở Công Thương TP.HCM lần đầu tiên công bố ứng dụng hỗ trợ thông tin cho người dân, doanh nghiệp các thông tin liên quan đến ngành công thương của thành phố. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu mà ứng dụng nhắm đến còn là cung cấp thông tin khuyến mãi sản phẩm của các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo thống kê của Sở Công Thương, trung bình hằng năm, trên địa bàn thành phố có hơn 75.000 hoạt động, sự kiện khuyến mãi.

Cho tin dung
 

Hiện nay, cũng có một số fintech cung cấp nền tảng so sánh các sản phẩm tài chính như GoBear chuyên so sánh sản phẩm thẻ tín dụng, cho vay hay bảo hiểm. Theo đại diện GoBear, đơn vị này không hoạt động theo mô hình môi giới nên không nhận hoa hồng từ việc người dùng đăng ký sản phẩm tài chính trên website. Nguồn thu đến từ việc hợp tác với đối tác thực hiện các chiến dịch nâng cao kiến thức của người dùng về sản phẩm tài chính cá nhân.

Trên thị trường có một số fintech cho vay ngang hàng và xếp hạng tín nhiệm hoạt động trong khi chưa có khung pháp lý hoạt động chính thức. Trên thực tế, việc xếp hạng điểm tín dụng nội bộ doanh nghiệp thì sử dụng thoái mái, nhưng thương mại chúng lại là câu chuyện khác. Một điểm quan trọng trong việc đánh giá tín nhiệm là nguồn dữ liệu đầu vào. Ngoài thông tin cơ bản được lấy từ các tổ chức tín dụng (và ngày càng nhiều tham số hơn từ hợp đồng chi tiết), trong tương lai, CIC sẽ thu thập thông tin nhiều hơn từ nhiều nguồn khác nhau. Mới đây, CIC đã bắt tay với Trung tâm Căn cước Quốc gia để lấy thông tin trực tiếp về thẻ căn cước. Đây là số ID quan trọng trong nhiều giao dịch khác nhau trong nền kinh tế như hợp đồng mua bán nhà đất và ngay cả các sổ tiết kiệm. Kế hoạch tiếp theo của CIC là sẽ liên kết với nhiều nhà bán lẻ có cho vay tiêu dùng và các nhà mạng, vốn được cho là có nhiều thông tin hữu ích cho việc xếp hạng cá nhân.

Trong tương lai, các ngân hàng thương mại có lẽ sẽ phải đưa các thông tin về sản phẩm của mình lên chợ, bao gồm cả việc công khai mẫu hợp đồng, lãi suất và khoản tín dụng ưu đãi. Ở khía cạnh nào đó, ngân hàng sẽ khó lòng cảm thấy thoái mái trong việc chia sẻ thông tin cụ thể về sản phẩm với thị trường, bởi trong đó ẩn chứa nhiều công cụ để cạnh tranh với nhau. “Chúng tôi là người tạo ra chợ, nhưng chợ có hoạt động tốt hay không còn phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng và người dân kết nối với nhau”, ông Phong bình luận.