Cho thuê tài chính sẽ tái cơ cấu mạnh mẽ
Chỉ có 50% các công ty cho thuê tài chính (CTTC) trong nước hoạt động hiệu quả, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã chen chân vào lĩnh vực này với 3 công ty hiện đang hoạt động khá tốt. Điều này khẳng định vị thế của một mô hình cấp tín dụng trung, dài hạn thông qua việc cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các động sản khác, trên cơ sở hợp đồng CTTC theo luật định.
Tuy nhiên, các công ty CTTC đang đứng trước những thách thức không nhỏ khi năng lực tài chính có hạn, mà áp lực của tái cấu trúc và hội nhập đang cận kề.
Theo thống kê của Hiệp hội CTTC Việt Nam (VILEA), 4/8 công ty CTTC đang hoạt động có hiệu quả và không có lỗ luỹ kế là: VietinBank Leasing, Vietcombank Leasing, Sacombank Leasing và ACB Leasing. BIDV Leasing, Agribank Leasing I hoạt động có lãi trong năm 2014 nhưng cả 2 công ty này vẫn còn lỗ luỹ kế khá cao.
Các công ty CTTC trong diện tái cơ cấu gồm: Vinashin Leasing, Agribank Leasing I và Agribank Leasing II. Còn BIDV Leasing hoạt động đồng thời với việc xử lý tồn đọng cũ. Nguyên nhân là do hệ quả của một chu kỳ phát triển kinh tế, khi có một thời gian, nhiều công ty CTTC và NHTM cùng tập trung vào lĩnh vực tàu thuyền vận tải, nên khi lĩnh vực này gặp rủi ro, đã kéo theo các công ty cùng chung số phận.
Theo NHNN, tổng dư nợ và tài sản có của loại hình CTTC đang ngày càng giảm. Đặc biệt, giá trị vốn tự có đang suy giảm trầm trọng và có những công ty đã âm vốn chủ sở hữu với số tiền khá lớn. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của toàn hệ thống chỉ đạt 3,35%, trong khi đó, yêu cầu tỷ lệ này đối với các TCTD là 13%. Hệ quả tất yếu là sẽ phải chuyển đổi hoặc đóng cửa các công ty CTTC yếu kém.
Vừa qua, NHNN công bố 2 dự thảo mới: Dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty CTTC và Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng. Hai dự thảo này đã tác động mạnh vào hệ thống các TCTD. Vì theo đó, khi dự thảo được hoàn chỉnh và ban hành chính thức, các NHTM phải thành lập công ty con là công ty CTTC để cho vay tiêu dùng.
Thực tế, ngoài những NH đã mua lại hoặc thành lập mới công ty CTTC như Techcombank có công ty CTTC trực thuộc FE Credit; HDBank có công ty CTTC HDFinance vừa bán 49% cổ phần cho Credit Saison, nhiều NH khác cũng đang có kế hoạch mua lại hoặc thành lập công ty CTTC mới.
Chẳng hạn, BIDV đã trình xin kế hoạch lập công ty CTTC tiêu dùng với 3 phương án là mua lại một công ty CTTC đang hoạt động, hoặc chuyển đổi công ty CTTC hiện có của BIDV, hoặc thành lập mới công ty CTTC. PGBank cũng đã chính thức sáp nhập vào VietinBank.
Theo đó, VietinBank có kế hoạch chuyển một phần PGBank thành công ty CTTC PG Finance. Hay ACB đã có dự kiến thành lập công ty CTTC ACB Leasing với mô hình hoạt động gồm tín dụng tiêu dùng, CTTC và bao thanh toán với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Tương tự, Sacombank, Nam A Bank, OCB, DongA Bank... cũng đã lên kế hoạch thành lập công ty CTTC với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Có thể nói, đang có một làn sóng về việc thành lập công ty con hoạt động CTTC của các NHTM. Giải pháp chủ yếu là tiếp tục tái cơ cấu toàn diện về tổ chức và hoạt động, hoặc chuyển đổi mô hình nhằm đa dạng hoá sản phẩm và gia tăng lợi nhuận. Việc lựa chọn phương án nào là do các NH và các công ty CTTC quyết định, phù hợp với điều kiện của từng công ty và NH.
Theo tác giả Châu Đình Linh, hoạt động CTTC ở Việt Nam còn đầy tiềm năng, khi số lượng DNNVV (đối tượng của CTTC), chiếm trên 95% tổng số DN và hình thức CTTC có nhiều ưu việt, phù hợp với loại hình DN này. CTTC cũng đang là xu hướng phát triển trên thế giới. Hiện nay, tại Mỹ có khoảng 30% tổng số các thiết bị của DN được trang bị qua các hợp đồng CTTC. Doanh thu của loại hình này tại Hàn Quốc đạt 17 tỷ USD; Thái Lan 3 tỷ USD… và tổng doanh thu hàng năm trên toàn cầu ước đạt trên 500 tỷ USD, với tỷ lệ tăng trưởng trên 7%/năm.
Nguồn Thời báo ngân hàng