Chịu nhiều áp lực, CPI tháng 6 tăng 0,46%
Ở các gốc so sánh khác, CPI đã tăng 2,4% so với tháng 12 năm trước và bình quân 6 tháng đầu năm 2016, CPI đã tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, với thước đo lạm phát hiện nay, lạm phát của cả nền kinh tế 6 tháng đầu năm đã là 2,4%. Tuy nhiên, nếu theo thước đo khác đang được Tổng cục Thống kê kiến nghị chính phủ sửa đổi thì lạm phát 6 tháng đầu năm 2016 chỉ là 1,72%.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, bình quân mỗi tháng CPI đã tăng 0,39%, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân của 6 tháng đầu năm 2015 (0,09%). Nguyên nhân là do 6 tháng đầu năm 2016, CPI chịu nhiều áp lực tăng giá từ giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, xăng dầu...trong khi đó những mặt hàng này ổn định hơn rất nhiều trong năm 2015.
Trở lại diễn biến giá cả trong tháng, giống như tháng 5, CPI tháng 6 chịu tác động mạnh bởi việc tăng giá của giá xăng dầu các loại qua các đợt điều chỉnh ngày 20/5 và ngày 4/6. Tác động trực tiếp của các đợt tăng giá này khiến chỉ số giá nhóm giao thông tiếp tục tăng cao nhất 2,99% so với tháng trước.
Do quy định của ngày tính giá CPI, đợt giám giá xăng dầu ngày 20/6 chưa tác động đến CPI tháng này.
Cũng do tác động của giảm giá xăng dầu các loại, chỉ số giá nhóm hàng nhà ở và vật liệu tiếp tục tăng 0,55% so với tháng trước do tác động từ việc tăng giá của dầu hỏa và gas bán lẻ các loại.
Nhóm có quyền số lớn nhất, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng tháng thứ 9 liên tiếp với mức tăng 0,21% trong đó lương thực giảm 0,24% trong khi thực phẩm tăng 0,36% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,05%.
Giá lương thực đã quay đầu giảm sau khi tăng 7 tháng liên tiếp do cả 2 vựa lúa lớn của cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã và đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu khiến lượng cung dồi dào trong khi nhu cầu xuất khẩu ổn định.
Đối với giá thực phẩm, giá cả các mặt hàng thịt gia súc gia cầm các loại đang có mức tăng giá đáng kể do tâm lý người dân e ngại về những nguy cơ không an toàn trong hải sản sau sự kiện cá chết hàng loạt ở miền trung vừa qua. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi, nắng nóng kéo dài cũng ảnh hưởng đến nguồn sinh trưởng của một số loại rau khiến nguồn cung bị ảnh hưởng. Qua đó, giá các mặt hàng rau tươi cũng tăng đáng kể so với tháng trước.
Thời tiết nắng nóng cũng khiến giá cả các mặt hàng thuộc nhóm ăn uống ngoài gia đình tiếp tục tăng so với tháng trước tháng thứ 9 liên tiếp.
Cũng do thời tiết nắng nóng trên diện rộng thời gian qua cũng khiến chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,13% so với tháng trước trong đó tập trung chủ yếu vào các mặt hàng đồ uống giải khát gồm cả có gas và không có gas.
Trong tháng, hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào chỉ số giá là vàng và đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi vàng giảm 0,01% và đô la Mỹ tăng 0,09% so với tháng trước.
Trong số các tỉnh được Tổng cục Thống kê lựa chọn công bố chỉ số giá, thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng cao nhất 0,8% trong khi Hà Nội chỉ tăng 0,38% và Thái Nguyên có mức tăng thấp nhất 0,32% so với tháng trước.
Nguồn Diễn đàn đầu tư