Chính thức thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, và phần vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế sẽ chuyển giao cho ủy ban này quản lý. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình quốc huy và tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước.
Được xem là "xương sống", là "bệ đỡ" của nền kinh tế, nhiều năm qua, khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước.
Tuy nhiên, so với các thành phần kinh tế khác, hiệu quả sử dụng vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước lại không cao.
Việc thất thoát vốn đã có thể thấy rõ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là Nhà nước đã trao quyền quá lớn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy mà dư luận đang có kiến nghị cho rằng đã đến lúc phải có một cơ quan quản lý tập trung và thống nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Ý tưởng thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đã được hình thành từ lâu và có nhiều ý kiến trái chiều. Điều này cũng dễ hiểu vì việc thiết lập một ủy ban giữ vai trò chủ sở hữu một lượng vốn Nhà nước khổng lồ như vậy là điều chưa từng có tiền lệ.
Nghị quyết số 01 của Chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2018 sẽ thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban này.
Theo đề án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp sẽ quản lý 21 Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và cả Tổng công ty kinh doanh đầu tư vốn nhà nước - SCIC. Mô hình này sẽ tách được doanh nghiệp ra khỏi các bộ và cơ quan chủ quản tránh được lỗi "vừa đá bóng, vừa thổi còi" hay các bộ vừa quản lý Nhà nước vừa hỗ trợ, hậu thuẫn cho doanh nghiệp như lâu nay.