Chính thức nhập siêu sau 3 năm liên tiếp xuất siêu
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,3 tỷ USD trong khi khu vực FDI lại xuất siêu 17,1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng ước tính nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 32,3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, đến năm nay đã nhập siêu hơn 300 triệu USD.
Được biết, năm 2012, Việt Nam xuất siêu 748,8 triệu USD; năm 2013 xuất siêu 0,3 triệu USD; năm 2014 xuất siêu gần 2,4 tỷ USD.
Không đạt kế hoạch xuất khẩu tăng 10%
Cụ thể về tình hình xuất khẩu, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014, loại trừ yếu tố giá tăng 12,4%.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu năm nay không đạt kế hoạch đề ra là tăng 10% so với năm 2014. Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu đạt 150 tỷ USD.
Chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu năm nay vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này xuất khẩu ước đạt 115,1 tỷ USD, tăng 13,8%. Còn kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước giảm 3,5%, ước đạt 47,3 tỷ USD.
Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 45,5% tổng kim ngạch, nhóm công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp chiếm 39,9%, hàng nông, lâm chiếm 10,5%..
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước tính chiếm tỷ trọng 20,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp đến là EU chiếm 19%...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu ước đạt kim ngạch 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch nhập khẩu tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 13,2% của năm 2014.
Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 98 tỷ USD, tăng 16,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 67,6 tỷ USD, tăng 6,3%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Thống kê cho biết, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch, hàng tiêu dùng chiếm 8,7%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch chiếm 28,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 16,7%, ASEAN chiếm 14,4%...
Nhật Duy