Thứ Hai | 16/07/2012 16:35

Chính thức công bố Luật Biển Việt Nam

Lần đầu tiên Việt Nam có văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý vùng biển, đảo thuộc chủ quyền Việt Nam theo công ước Luật Biển năm 1982.
Toàn văn Luật Biển Việt Nam

Chiều 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo về lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Biển Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Gồm 55 điều, 7 chương, Luật Biển Việt Nam quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.

Với vùng biển Việt Nam, luật này xác định: Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam. Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

Đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Luật Biển Việt Nam khẳng định.

Quy định rõ những điều tàu thuyền nước ngoài không được làm

Tại chương 3 về hoạt động trong vùng biển Việt Nam, luật đã quy định cụ thể nội hàm của việc đi qua không gây hại, hoạt động của tàu thuyền trong các vùng biển của Việt Nam. Đồng thời quy định rõ những hành vi mà tàu thuyền nước ngoài không được làm khi đi qua lãnh hải Việt Nam.

Cụ thể là không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam cũng như của quốc gia khác. Luyện tập hay diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào, thu thập thông tin gây thiệt hại cho quốc phòng, an ninh của Việt Nam, tuyên truyền nhằm gây hại đến quốc phòng, an ninh của Việt Nam…

Luật cũng quy định viêc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải, khi cần thiết lập vùng cấm tạm thời hoặc vùng hạn chế hoạt động trong lãnh hải Việt Nam, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác khi ở trong nội thủy, lãnh hãi Việt Nam phải nổi trên mặt nước…

Giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình

Theo quy định của Luật Biển Việt Nam, các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển.  Nhà nước sẽ thực hiện các chính sách ưu tiên đối với nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo.

Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế, Luật Biển Việt Nam nêu rõ.

Luật Biển Việt Nam cũng quy định, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với quy định của luật khác về chủ quyền, chế độ pháp lý của vùng biển Việt Nam thì áp dụng quy định của luật này.

Trường hợp quy định của luật này khác với quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. 

Nguồn VnEconomy


Sự kiện