Chính thức ban hành Nghị định về quản lý kinh doanh vàng
Theo Nghị định, quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật.
Nghị định này cũng giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định và Nhà nước sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Hoạt động mua, bán vàng miếng của các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 5 điều kiện: là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế); có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Với các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ 3 điều kiện: có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Với các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Theo Nghị định, căn cứ vào mục tiêu chính sách tiền tệ và cung - cầu vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức thực hiện việc xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp theo quy định và cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có giấy phép khai thác vàng theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép tạm nhập vàng nguyên liệu để tái xuất sản phẩm.
Việc xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng bột, dung dịch, vẩy hàn, muối vàng và các loại vàng trang sức dưới dạng bán thành phẩm được thực hiện theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Cũng theo quy định tại nghị định này, Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào dự trữ ngoại hối Nhà nước. Cơ quan này thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng qua biện pháp xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng qua các hạn mức phù hợp từng thời kỳ; thực hiện mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghị định cũng quy định cụ thể các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng gồm:
Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, xuất - nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Các cá nhân mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp cũng là hành vi vi phạm. Đặc biệt, Nghị định cấm sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Nghị định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/5/2012.
Chi tiết Nghị định 24/2012/NĐ-CP
Nguồn Chinhphu.vn