Thứ Tư | 22/05/2013 11:47

Chính thức ban hành Nghị định thành lập VAMC

VAMC có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, sẽ mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu hoặc mua theo giá thị trường. Nghị định hiệu lực từ 9/7/2013.
Chính phủ vừa công bố Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) của các tổ chức tín dụng. Nghị định này được Thủ tướng Chính phủ ký chính thức vào ngày 18/5/2013 vừa qua.

Công ty quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và chịu sự quản lý nhà nước, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.

VAMC có trụ sở chính tại Hà Nội và được thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại một số tỉnh, thành phố lớn. NHNN sẽ bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và các Hội đồng thành viên (không quá 7 người); Ban Kiểm soát (không quá 3 người); Tổng Giám đốc và một số Phó Tổng Giám đốc của VAMC.

Theo Nghị định, VAMC được hoạt động trên nguyên tắc: Lấy thu bù chi và không mục tiêu lợi nhuận; Công khai, minh bạch trong hoạt động mua, xử lý nợ xấu; Hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.

Khách hàng vay có khoản nợ xấu bán cho VAMC và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi được tổ chức tín dụng xem xét, cấp tín dụng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

VAMC có thể mua nợ xấu bằng nguồn vốn không phải trái phiếu

Về phương thức mua nợ xấu, Nghị định nêu rõ, VAMC mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do công ty phát hành. Ngoài ra, VAMC còn mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử với mệnh giá có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu. Trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 5 năm và lãi suất bằng 0%; được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Các khoản nợ xấu phải đáp ứng đủ 5 điều kiện sau mới được VAMC mua: Khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; Khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; Khách hàng vay còn tồn tại; Số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với việc mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt đối với các khoản nợ xấu đáp ứng 4 điều kiện: Đáp ứng 5 điều kiện đối với các khoản nợ xấu nêu trên; Được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu; Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại; Khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc VAMC mua lại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên theo đề nghị của NHNN.

Mua nợ xấu theo giá trị trường

Công ty mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại.

Trong trường hợp này, Công ty đánh giá lại giá trị khoản nợ xấu trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; khi cần thiết, VAMC thuê tổ chức tư vấn định giá khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.

Việc mua bán nợ xấu được lập thành hợp đồng và tổ chức tín dụng bán nợ phải thông báo bằng văn bản cho khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua bán nợ để biết và thực hiện nghĩa vụ với Công ty Quản lý tài sản.

VAMC có quyền yêu cầu bán nợ xấu

Công ty được thực hiện các hoạt động như: Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phẩn của khách hàng vay;...

VAMC có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu; yêu cầu các bên liên quan cung cấp thông tin, tài liệu về tổ chức vay, về các khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu bán cho công ty.

Đồng thời, tham gia quá trình cơ cấu lại khách hàng vay sau khi góp vốn, mua cổ phần tại khách hàng vay; nhận chính tài sản đảm bảo để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm theo quy định của pháp luật; thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ...
Xem xét thanh tra với tổ chức tín dụng có nợ xấu trên 3%

Nghị định cũng quy định, tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do NHNN quy định không bán nợ xấu cho VAMC được NHNN xem xét tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; chi phí kiểm toán, định giá do tổ chức tín dụng thanh toán.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho VAMC để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được NHNN phê duyệt.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện