Chính sách ưu đãi không phải là nhân tố quyết định hiệu quả
Chuyển đổi chính sách ưu đãi
Kể từ khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực vào năm 2007, nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế, các chính sách ưu đãi đầu tư đã được thiết kế và áp dụng tại Việt Nam .
Theo đó, chính sách ưu đãi gồm các loại hình khác nhau, trong đó có ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế lợi tức), ưu đãi về đất đai, ưu đãi về tín dụng và các hình thức hỗ trợ tài chính khác của các địa phương.
Tại Hội thảo, ông Braian đã trình bày Báo cáo Đầu tư Công nghiệp Việt Nam, với việc điều tra, phân tích từ hơn 500 biến số thu thập từ 1.494 công ty sản xuất trong các ngành nghề, trong số đó 58,6% (836 công ty) là công ty sở hữu nước ngoài, 32,4% (462 công ty) công ty tư nhân trong nước và 9% (128 công ty) doanh nghiệp nhà nước.
Kết quả điều tra cho thấy, các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi dường như đạt được hiệu quả tốt, nâng cao năng suất động hơn và tập trung vốn hơn so với các công ty trong nước.
Mặc dù, các công ty nước ngoài có xu hướng tuyển dụng nhiều người lao động hơn, nhưng phần lớn vẫn là lao động không có tay nghề. Bên cạnh đó, họ dường như ít tham gia vào thị trường địa phương so với các công ty trong nước.
Bên cạnh đó, Báo cáo đã chỉ ra một vấn đề đáng chú ý, về tổng thể gần như không có mấy khác biệt trong hiệu quả hoạt động của các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi và những công ty không nhận ưu đãi.
Thậm chí bằng chứng phân tích đã cho thấy, việc cho rằng các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi tuyển dụng nhiều người lao động, năng suất lao động cao và tập trung vốn hơn so với các công công ty nước ngoài không nhận được ưu đãi là không mấy thuyết phục.
Khảo sát chỉ ra, mặc dù các công ty nước ngoài nhận ưu đãi trong các khu công nghiệp có hiệu quả hoạt động vượt trội các công ty trong nước, song hiệu quả hoạt động của các công ty này không khác biệt gì so với các công ty nước ngoài không nhận được bất kỳ ưu đãi nào.
“Về tổng thể, các ưu đãi có thể đã và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, cũng ghi nhận rằng các ưu đãi tài chính có xu hướng đóng vai trò bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư,” ông Braian nói.
Thu hút… nhắm vào chất lượng
Trước những thực tiễn trên, để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài trọng tâm chính của khung ưu đãi đầu tư ở Việt Nam đã chuyển hướng từ thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sang hỗ trợ đầu tư trực tiếp nước ngoài tạo ra được giá trị gia tăng cao, nâng cao việc sử dụng công nghệ cao, năng lực công nghiệp và vốn.
Ông Brian nhấn mạnh, “các bằng chứng từ Việt Nam dường như gợi ý rằng việc cấp ưu đãi đầu tư nên được xem xét kỹ hơn vì đây là một chính sách rất tốn kém tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước sở tại.”
Do đó ông Brian khuyến cáo, bất kỳ các biện pháp nào được thực hiện để giữ lại các ưu đãi hiện có hoặc để cấp bất kỳ ưu đãi mới nào cũng phải phụ thuộc khả năng và năng lực của nước sở tại nhằm thực hiện xúc tiến đầu tư và các hoạt động mục tiêu một cách kỹ càng. Các ưu đãi cần phải được rà soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệu quả của các ưu đãi hơn là tác động hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
“Do vậy nói một cách lý tưởng là nước sở tại nên có sẵn cơ chế thực hiện và giám sát để xác định liệu các ưu đãi đó có thực sự mang lại kết quả đầu tư như mong đợi về hiệu quả năng suất và tạo nên giá trị gia tăng hay không,” ông Brian nói.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, trong những năm qua, khu vực đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trong sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đóng góp khoảng 18%-19% vào GDP, chiếm tỷ trọng lớn và ngày càng tăng trong kim ngạch xuất khẩu (năm 2012 là 64%, năm 2013 là 66,9% và 6 tháng năm 2014 là 67%); đóng góp trên 14% tổng thu Ngân sách và tạo ra 2,7 triệu việc làm trực tiếp.
Ngoài ra khu vực đầu tư nước ngoài còn tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, thông qua việc tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước.
Nhằm thúc đẩy hoạt động thu hút FDI chú trọng hơn về chất lượng, Cục Đầu tư nước ngoài đã phối hợp với UNIDO xây dựng báo cáo nghiên cứu về tác động của ưu đãi đầu tư với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
“Những kết quả từ Báo cáo trên sẽ là căn cứ để đưa ra những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài hợp lý hơn, nhằm tăng cường khả năng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân thông qua việc điều hành cũng như công tác quản lý nguồn vốn FDI tốt hơn tại các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam,” ông Quang nói./.
Nguồn Vietnamplus