Chính sách tiền tệ trái chiều và rủi ro tài chính toàn cầu 2015
Ở chiều hướng ngược lại, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ toàn diện với chương trình mua lại tài sản trị giá 1,1 nghìn tỷ Euro. Tại Châu Á, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đang “bận rộn” với chương trình mua trái phiếu, còn Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa hạ lãi suất lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới đang gặp rủi ro với thời điểm nâng lãi suất của FED. Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I/2015 thấp hơn mức kỳ vọng. Trong khi đó, doanh số bán lẻ thấp và số liệu sản xuất công nghiệp không khả quan trong tuần trước cho thấy sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế Mỹ có thể kéo dài hơn 1 quý.
Ngày càng có nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm tại Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới. Một cuộc suy thoái mới tại thị trường số một thế giới sẽ làm tổn thương ngành xuất khẩu của tất cả các châu lục khác. Bên cạnh đó, rủi ro này cũng làm xói mòn niềm tin và suy giảm đầu tư trên thế giới.
Ngay cả khi FED tăng lãi suất đúng thời điểm, kinh tế toàn cầu cũng chưa được an toàn. Giám đốc bộ phận tiền tệ và vốn José Viñals của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng việc Mỹ tăng lãi suất sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài quay lại thị trường nước này. Qua đó, những quốc gia mới nổi sẽ gặp rủi ro khi tình hình bất ổn gia tăng và tính thanh khoản đột ngột suy giảm.
Một số chuyên gia lo ngại thị trường sẽ gặp biến động mạnh như năm 2013, hoặc thậm chí mạnh hơn, do việc giảm dần chương trình nới lỏng tiền tệ của FED. Hiện nhiều chuyên gia đang kêu gọi các quốc gia trên thế giới có sự hợp tác chặt chẽ hơn về chính sách tiền tệ toàn cầu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng điều này có thể không phù hợp khi các tổ chức tiền tệ như Fed và ECB có trách nhiệm riêng biệt đối với từng thị trường của họ. Do đó, những tổ chức này không thể đưa ra quyết định dựa trên những ảnh hưởng lây lan có thể xảy ra tại nước ngoài.
Một vấn đề nữa gây tranh cãi là việc phối hợp điều hành tỷ giá hối đoái. Chuyên gia kinh tế Charles Engel của Đại học Wisconsin-Madison cho biết hiện chưa có mô hình xác định giá trị tương đối nào giữa các loại đồng tiền có thể thỏa mãn mọi yêu cầu. Hơn nữa, các nhà chính trị sẽ gặp phải rất nhiều áp lực khi đối mặt với những cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề trên.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia phân tích đều đồng ý rằng những nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là FED, có thể có nhận định rõ ràng hơn, so với thời điểm năm 2013, về tầm ảnh hưởng từ các chính sách tiền tệ. Trên thực tế, một số ngân hàng trung ương tại thị trường mới nổi quan ngại về rủi ro khi FED tăng lãi suất hơn là những động thái của chính bản thân họ.
Trong khi các khu vực đang có sự trái chiều về chính sách tiền tệ, một số chuyên gia kinh tế kêu gọi các nước nên tìm cách chia sẻ rủi ro lan tỏa từ hệ thống tài chính thế giới. Giáo sư thương mại Eswar Prasad của Đại học Cornell nói: “Cần phải có một cơ chế bảo hiểm quốc tế cho các thị trường mới nổi.”
Theo nhiều chuyên gia, IMF có thể trở thành một “cơ chế bảo hiểm” như vậy. Tổ chức này đang cung cấp đầy đủ dịch vụ hỗ trợ tài chính, từ chương trình cứu trợ toàn diện với những quy định về tái cơ cấu và cải tổ ngân sách cho đến những khoản cho vay linh hoạt hơn. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định rằng IMF có thể làm hơn thế. Những cải cách năm 2010 đã cho phép tổ chức này tăng giới hạn tín dụng, nhưng Nghị viện Mỹ lại từ chối đề nghị tăng vốn cho IMF. Điều này đã làm giảm hiệu quả hoạt động của tổ chức quốc tế này.
Tờ Financial Times nhận định chứng nào nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng thì việc tăng lãi suất và tình trạng trái chiều trong chính sách tiền tệ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo quá trình này diễn ra với sự “bất ổn hạn chế” hơn là sự “biến động mạnh đầy rủi ro.”
Nguồn NDH