Chủ Nhật | 26/08/2012 13:41

Chính sách nông nghiệp EU gây thiệt hại cho các nước đang phát triển

Chính sách nông nghiệp hiện nay giữ giá nông sản EU ở mức thấp, khiến nông dân các nước đang phát triển không thể cạnh tranh.
Chuyên gia Nicola Cantore và Sheila Page đến từ Viện Phát triển Nước ngoài (Overseas Development Institute) nhận định chính sách nông nghiệp chung châu Âu (CAP) đang làm tổn hại đến lợi ích các nước đang phát triển khi nhằm bảo hộ cho sản xuất trong khu vực và nâng sức cạnh tranh của nông sản châu Âu (EU) trên toàn cầu.

Ngân sách dành cho CAP hiện còn khoảng 50 tỷ euro. Các công cụ của CAP áp dụng bao gồm các khoản trợ cấp xuất khẩu, các khoản thanh toán trực tiếp và thuế nhập khẩu cao.

Khoản ngân sách 50 tỷ euro của CAP được sử dụng để bảo trợ ngành sản xuất trong nước vô điều kiện. Đối với một số nông dân châu Âu, thậm chí 50% thu nhập của họ đến từ khoản trợ cấp của CAP.

Chính sách nông nghiệp này giữ giá nông sản EU ở mức thấp, khiến nông dân các nước đang phát triển không thể cạnh tranh. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng trưởng và phân phối thu nhập giữa các quốc gia đang phát triển.

Ngoài ra, trong hoàn cảnh giá lương thực thế giới biến động mạnh, công cụ của CAP có thể làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực lên các nước đang phát triển. Nếu CAP thành công trong việc ổn định hóa thị trường châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc rủi ro biến động giá sẽ chuyển sang thị trường thế giới.

Ngược lại, trước đó chuyên gia Gail Soutar của Hiệp hội Nông dân Vương quốc Anh và xứ Wales lập luận rằng CAP thật ra mang lại nhiều lợi ích cho các nước đang phát triển. Mỗi năm EU nhập gần 60 tỷ euro nông sản từ các nước đang phát triển, chiếm khoảng 70% tổng giá trị nông sản nhập khẩu của EU. EU hiện cũng là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất từ các nước đang phát triển, nhiều hơn Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand cộng lại.

Trong đó, nông sản nhâp khẩu từ 49 nước được miễn thuế và hạn ngạch, các nước đang phát triển còn lại cũng được hưởng các ưu đãi tiếp cận thị trường EU. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu được hưởng lợi từ chính sách giao dịch minh bạch và ổn định của EU.

Bà Gail Soutar lập luận rằng các khoản trợ cấp xuất khẩu chỉ chiếm chưa đầy 0,5% tổng ngân sách nông nghiệp EU năm 2010. Ngoài ra, hơn 90% trợ cấp trong nước tách rời khỏi sản xuất và do đó không được coi là “bóp méo thương mại”.

Tuy nhiên, chuyên gia Nicola Cantore và Sheila Page bác lập luận này, cho rằng "trợ cấp xuất khẩu chiếm ít hơn 0,5% tổng ngân sách nông nghiệp của EU năm 2010" đã không tính đến các yêu cầu gần đây của Ba Lan trong việc tái áp dụng sớm nhất có thể chính sách hoàn tiền xuất khẩu các sản phẩm sữa.

Lập luận rằng “hơn 90% trợ cấp trong nước tách rời khỏi sản xuất và do đó không được coi là bóp méo thương mại” cũng bị nhiều nghiên cứu phản bác, cho rằng các khoản thanh toán tách rời cho nông dân đã dẫn đến sự dư thừa thanh khoản trong thị trường tín dụng và đây là một dẫn chứng của hiện tượng “bóp méo thương mại”.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện