Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3
Các loại bảo hiểm được dao dịch điện tử
Từ ngày 1/3, Nghị định 166 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) bắt đầu có hiệu lực. Người dân có thể đăng ký tham gia giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ; giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm; giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và việc trao đổi thông tin liên quan đến việc thực hiện chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Văn bản này cũng quy định các trường hợp nộp chứng từ BHXH điện tử được thực hiện giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
Cơ quan tiếp nhận sẽ gửi thông báo xác nhận đã nhận được chứng từ BHXH điện tử đến địa chỉ thư điện tử của người nộp chậm nhất 15 phút sau khi nhận được chứng từ BHXH điện tử gửi đến.
Mở rộng trường hợp được mở tài khoản ngân hàng
Theo Thông tư 32 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ 1/3, đối tượng được phép mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng bao gồm cá nhân và tổ chức có tư cách pháp nhân.
Quy định mới này mở rộng hơn về đối tượng được mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng, cụ thể: Cho phép trẻ từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được mở tài khoản thanh toán mà không cần có tài sản riêng như quy định hiện hành; bổ sung cá nhân là người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng được mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.
Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày
Bắt đầu từ 1/3, danh mục mới về bệnh cần chữa trị dài ngày kèm theo Thông tư 46 của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực. Danh mục mới bao gồm 332 thay vì 192 loại bệnh; trong đó bổ sung nhiều loại bệnh như: tiêu chảy kéo dài, viêm xoang, uốn ván nặng và di chứng, viêm gan do rượu…
5 loại đất dù có vướng mắc vẫn được cấp sổ đỏ
Nghị định 1/2017 có hiệu lực từ ngày 3/3 cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp sau: Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014; đất được giao không đúng thẩm quyền; diện tích đất tăng thêm so với Giấy tờ về quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất; đất xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn, khu sản xuất kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác nhau; trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên.
Quy chế thi THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học
Thông tư 4 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT có hiệu lực từ 10/3. Năm 2017, Bộ Giáo dục tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT; xét tuyển đại học và cao đẳng; cung cấp thêm thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục tổ chức thi 5 bài, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.
Nguồn VnExpress