Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhất là khi Tết sắp đến nhu cầu sử dụng các mặt hàng này tăng cao. Ảnh: PLVN.
Chính sách nào cho thuốc lá thế hệ mới?
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam vừa công bố nộp ngân sách 2020 đạt 11.590 tỉ đồng. Dự kiến năm nay, toàn ngành thuốc lá nộp ngân sách khoảng 20.000 tỉ đồng. Trong khi đó, thất thoát thuế vì thuốc lá lậu được ghi nhận khoảng 8.000 tỉ đồng/năm với liên tục các vụ bắt giữ và thậm chí truy tố hình sự trong những ngày giáp Tết.
Những con số này buộc Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng phải cân nhắc kỹ lưỡng các chính sách với thuốc lá thế hệ mới - những sản phẩm đang tràn vào thị trường Việt Nam thời gian gần đây qua các con đường phi pháp.
Thế giới tranh cãi, Việt Nam ngại ngần
Những tranh luận xung quanh khung pháp lý của thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam đến nay vẫn chưa có hồi kết khi ý kiến giữa các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất. Còn trên thế giới, các quốc gia cũng áp dụng chính sách khác nhau cho dòng sản phẩm này vì quan điểm của họ về chính sách quản lý sản phẩm vẫn còn nhiều khác biệt.
Bộ Công thương đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử, trong bối cảnh hàng nhập lậu đang tăng nhanh trên thị trường nhưng các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý vì thiếu vắng các chính sách quản lý.
Thuốc lá thế hệ mới nhập lậu tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhất là khi Tết sắp đến nhu cầu sử dụng các mặt hàng này tăng cao. Ảnh: PLVN. |
Trong khi đó, Bộ Y tế vẫn duy trì quan điểm nên cấm dòng sản phẩm này. Còn Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết Bộ đang xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới.
Trên thế giới, các tổ chức quốc tế và các quốc gia vẫn đang đưa ra các quan điểm khác nhau với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Về mặt phân loại sản phẩm, do thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử có sự tương đồng về đặc tính sản phẩm và tính năng sản phẩm, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) đã thông qua đề xuất sửa đổi Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (Hệ HS) qua đó, tạo ra thêm một phân nhóm mới 2404 cho cả hai loại sản phẩm này, tách biệt với phân nhóm 2402 dành cho thuốc lá điếu truyền thống hiện thời. Phiên bản sửa đổi này sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1.1.2022.
Về chính sách quản lý, châu Âu là một trong những thị trường ủng hộ thuốc lá thế hệ mới và có chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới “dễ thở” hơn so với thuốc lá truyền thống. Một số quốc gia khác thì quản lý như thuốc lá truyền thống và một số quốc gia vẫn đang xem xét nghiên cứu, cũng có một số ít quốc gia quyết định cấm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.
Chờ khung pháp lý
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cấm là không khả thi vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn có nhu cầu, và thị trường sản phẩm nhập lậu vẫn tràn lan. Tuy nhiên, một khi các dòng quan điểm trên thế giới và tại Việt Nam vẫn chưa thống nhất, Việt Nam không nên ban hành ngay một khung pháp lý cụ thể mà cần thời gian để nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội trước khi chính thức mở cửa thị trường với thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Tuy nhiên, nếu thiếu vắng khung pháp lý thì sẽ rất khó xử lý hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc đang tràn vào Việt Nam. Trong tình hình này, một số chuyên gia cho rằng trước mắt Chính phủ có thể xém xét xử lý thuốc lá thế hệ mới bất hợp pháp như thuốc lá điếu nhập lậu để áp dụng chung các quy định xử phạt trong khi chờ ban hành chính sách quản lý riêng cho cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử.
Đối với việc soạn thảo khung pháp lý cho các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này, Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm và Chính, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng việc nghiên cứu, định ra các quy định quản lý, tiêu chí kỹ thuật, đánh giá sự tương đồng giữa các sản phẩm, đo lường tiềm năng giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe người dùng và cộng đồng cần thời gian ít nhất 12 tháng để các cơ quan Nhà nước nghiên cứu và đưa ra các chính sách phù hợp.
Sau thời gian này, Chính phủ có thể luật hóa hoặc cho thí điểm để tiếp tục có những đánh giá tác động cụ thể và có những điều chỉnh phù hợp.
Các diễn giả tại buổi Tọa đàm về Khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam. Ảnh: Minh Chuyên. |
Tại buổi Tọa đàm về khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Phan Minh Thủy, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng việc đưa ra chính sách cho thuốc lá thế hệ mới cần được nghiên cứu rất kỹ và có các giải pháp toàn diện về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đến quy định về kinh doanh như sản xuất, phân phối, tiêu thụ, đầu tư, mua bán nguyên liệu; những quy định về quảng cáo, quy định về thuế, biện pháp xử lý vi phạm cần được xem xét một cách tổng thể.
Ông Lê Thành Hưng, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh rằng đặc tính và cách thức hoạt động giữa thuốc lá truyền thống và thuốc lá làm nóng cũng như thuốc lá điện tử hoàn toàn khác biệt, do đó Bộ đang nghiên cứu xem xét xây dựng tiêu chí kỹ thuật đối với thuốc lá thế hệ mới để làm nền tảng cho việc Chính phủ hoạch định chính sách quản lý.
Ông Hưng cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đều là sản phẩm ngoại nhập và chưa có tiền lệ. Những tác động kinh tế, xã hội của việc luật hóa dòng sản phẩm thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử cần được đánh giá một cách đầy đủ.
Có nên cấm hay ghép chung thuốc lá thế hệ mới vào Nghị định 67/2013/NĐ-CP hướng dẫn kinh doanh thuốc lá? Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không có quy định cấm hoàn toàn sản xuất và kinh doanh thuốc lá, mà nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân còn lớn. Việc cấm sản xuất, kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam (trong khi các quốc gia khác không cấm) có thể dẫn tới hành vi sản xuất thuốc lá bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá. |