Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2013
Theo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/8/2013, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập trước ngày 1/7/2006, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 170, có quyền thực hiện theo một trong hai cách.
Thứ nhất, đăng ký lại để tổ chức quản lý, hoạt động theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Cụ thể, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động quy định tại Giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006, chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp và có đề nghị được tiếp tục hoạt động phải đăng ký lại trước ngày 1/2/2014 theo các điều kiện do Chính phủ quy định. Trong trường hợp này, việc đăng ký lại có hiệu lực kể từ ngày hết hạn hoạt động ghi trên Giấy phép đầu tư.
Thứ hai, không đăng ký lại; trong trường hợp này, doanh nghiệp tổ chức quản lý, hoạt động theo Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp. Đối với những nội dung không quy định tại Giấy phép đầu tư, Điều lệ doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt trong 4 trường hợp
Theo Nghị định về Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước có hiệu lực từ 15/8/2013, có 4 trường hợp doanh nghiệp bị giám sát tài chính đặc biệt.
Cụ thể, doanh nghiệp được đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm hoặc qua công tác giám sát tài chính, kiểm toán phát hiện có tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc một trong 4 trường hợp sau:
1- Kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định.
2- Có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu.
3- Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.
4- Báo cáo không đúng thực tế về tài chính, làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
3 đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên về hải quan
Đây là quy định tại Thông tư số 86/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện.
Theo đó, doanh nghiệp ưu tiên gồm ba loại: Doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu, nhập khẩu tất cả các mặt hàng, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu (loại 1); doanh nghiệp được ưu tiên trong xuất khẩu hàng hóa là nông sản, thủy sản, dệt may, da giày và nhập khẩu hàng hóa là nguyên phụ liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (loại 2); doanh nghiệp được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao được ưu tiên trong nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao (loại 3).
Thông tư 86/2013/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/8/2013.
Áp dụng quy định mới về giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán
Theo Thông tư số 87/2013/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trên thị trường chứng khoán, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8, dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến là dịch vụ do các công ty chứng khoán cung cấp cho nhà đầu tư để mở tài khoản, đặt lệnh, đưa ra yêu cầu đối với các giao dịch chứng khoán, hoặc nhận kết quả giao dịch thông qua mạng Internet hoặc điện thoại.
Công ty chứng khoán phải trực tiếp cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến cho nhà đầu tư, không được ủy thác hoặc thuê các tổ chức không được phép khác thông qua hình thức thanh toán phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán phải ban hành quy trình thực hiện dịch vụ giao dịch trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và phải ký một hợp đồng bằng văn bản với khách hàng quy định rõ trách nhiệm pháp lý của cả hai bên, bao gồm trách nhiệm bồi thường khi xảy ra rủi ro. Công ty chứng khoán cũng phải nêu rõ rủi ro liên quan đối với nhà đầu tư dưới hình thức một “Bản công bố rủi ro” đính kèm hợp đồng.
Công ty chứng khoán phải công bố những rủi ro có liên quan trên “Bản công bố rủi ro” trên trang thông tin điện tử chính thức của công ty và trên phần mềm ứng dụng của khách hàng. Những rủi ro được công bố bao gồm các rủi ro sau: Trong khi truyền tải qua mạng Internet, lệnh giao dịch có thể bị treo, bị ngừng, bị trì hoãn hoặc có lỗi dữ liệu; việc nhận dạng các tổ chức hoặc nhà đầu tư có thể không chính xác, lỗi về bảo mật có thể xảy ra; giá cả thị trường và các thông tin chứng khoán khác có thể có lỗi hoặc sai lệch...
Tăng thời gian thanh toán điện tử liên ngân hàng
Theo Thông tư 13/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2010/TT-NHNN quy định về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTLNH) vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành, từ 1/8/2013, thời điểm thực hiện kiểm tra kỹ thuật và khởi tạo dữ liệu đầu ngày của Hệ thống TTLNH là 8 giờ của ngày làm việc (hiện nay là 7 giờ 30 phút); thời điểm các đơn vị ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị thấp là 16 giờ và ngừng gửi Lệnh thanh toán giá trị cao là 17 giờ của ngày làm việc (quy định hiện nay lần lượt là 15 và 16 giờ).
Thông tư cũng quy định: Từ 16 giờ 10 phút trở đi, thực hiện quyết toán bù trừ các khoản giá trị thấp theo quy định; từ 17 giờ 15 phút trở đi, thực hiện các công việc cuối ngày, đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia.
Các quy định mới được thực hiện kể từ ngày 30/8/2013.
Áp dụng tiêu chuẩn xây dựng cửa hàng xăng dầu mới
Từ 1/8/2013, các cửa hàng xăng dầu phải được xây dựng và thiết kế theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 01:2013/BCT quy định tại Thông tư 11/2013/TT-BCT.
Cụ thể, vị trí xây dựng cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với quy hoạch, đảm bảo yêu cầu an toàn giao thông, an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh môi trường. Kiến trúc cửa hàng xăng dầu phải phù hợp với yêu cầu kiến trúc đô thị.
Bên cạnh đó, đường và bãi đỗ xe dành cho xe ra vào mua hàng và nhập hàng phải đảm bảo: Chiều rộng 1 làn xe đi trong bãi đỗ xe không nhỏ hơn 3,5 m; đường 2 làn xe đi không nhỏ hơn 6,5 m; bãi đỗ xe để xuất, nhập xăng dầu không được phủ bằng vật liệu có nhựa đường.
Nguồn Chinhphu.vn