Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chứng khoán
Theo Thông cáo báo chí về cuộc họp này, Chính phủ nhận định, tuy kinh tế trong nước đã có những chuyển biến đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng chỉ bằng 64,6% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 8/2012 thấp hơn so với tháng 7/2012. Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp.
Khu vực doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho tuy có giảm song vẫn còn ở mức cao;
Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống người lao động; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt thấp.
Vì vậy, để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, tập trung thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại.
Trong đó chú trọng (i) hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho để bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh mới; (ii) có biện pháp hiệu quả giải quyết nợ để các doanh nghiệp có thể từng bước quan hệ tín dụng bình thường trở lại với các ngân hàng; (iii) tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tăng xuất khẩu trở lại, nhất là các mặt hàng chủ lực (iv) quản lý tốt thị trường trong nước...
Thứ hai, điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư; mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước...
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo. Bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả nguyên vật liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất...
Thứ ba, ngân hàng cần áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nói chung; nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ,…
Tăng mức cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp. Đẩy mạnh việc triển khai tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu.
Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của VND.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất, gia hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn thuế môn bài đối với hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối.. theo Nghị quyết 13/NQ-CP và Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ năm, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu Quốc gia. Bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; ưu đãi hợp lý cho các doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư.
Thứ sáu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó chú trọng xử lý các vụ khiếu kiện kéo dài.
Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, nhất là tại các Khu công nghiệp, đô thị. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát để nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Nguồn Chính phủ